Nguy hiểm bến đò tự phát

Nguy hiểm bến đò tự phát ảnh 1
Đò đưa rước khách (trong đó có nhiều học sinh) qua kênh Tri Tôn, huyện Châu Phú (An Giang) - Ảnh Đ.VỊNH
Dọc tuyến kênh Tri Tôn, huyện Châu Phú có khoảng chục bến đò ngang. Gọi là bến đò nhưng đây chỉ là điểm đưa rước khách không có đường dẫn lên xuống với những chiếc đò nhỏ chở khách, chở xe hai bánh, xe ba gác qua lại đôi bờ. Hằng ngày lúc học sinh đi học hay giờ tan trường, những chuyến đò ở đây đầy ắp người cùng xe cộ liên tục băng ngang dòng kênh, trong khi đây là đoạn huyết mạch trong tuyến giao thông thủy TP.HCM - Hà Tiên luôn có mật độ thuyền bè lưu thông khá cao. “Lòng kinh hẹp, sà lan, ghe tàu lớn xuôi ngược thường xuyên mà mấy chiếc đò ngang cứ xẹt qua, xẹt lại như vậy rất dễ xảy ra tai nạn”- bà Nguyễn Thị Lan, chủ một sà lan, nói. Dọc tuyến kênh Mặc Cần Dưng, huyện Châu Thành dù có nhiều cầu bắc ngang cho người dân đi lại nhưng vẫn có những bến đò đưa rước khách cùng xe đạp, xe máy qua lại giữa dòng kênh không ngớt tàu ghe. Một chủ bến đò bên tỉnh lộ 941 ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành giải thích. “Những nơi cách xa cầu muốn sang bên kia kênh phải đi đường vòng mất thời gian, trong khi qua đò chỉ tích tắc là tới nên người ta chọn đi đò”.Tương tự, một số đoạn trên các tuyến kênh như Cây Dương (Châu Phú), Vĩnh Tế (Châu Đốc), Chắc Cà Đao (Châu Thành)... gần đây cũng xuất hiện nhiều bến đò ngang tự phát. Theo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông vận tải An Giang, trừ bến đò ở kênh Tri Tôn mới được cấp phép hoạt động, còn lại các bến đò ở các tuyến kênh trên đều không có giấy phép, hầu hết hình thành tự phát. Theo ghi nhận của chúng tôi, những bến đưa rước khách này đều không có đường dẫn lên xuống, thường bị che khuất tầm nhìn bởi cây cối, nhà cửa hai bên bờ, lại không hề có biển báo. Còn phương tiện không đảm bảo an toàn và thường do người không bằng lái điều khiển. Ông Lê Văn Xác, chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải An Giang, cho biết lực lượng thanh tra vẫn tổ chức kiểm tra, xử phạt các bến đò ngang hoạt động trái phép. Tuy nhiên, các địa phương lại cho rằng lực lượng chức năng rất hiếm khi kiểm tra, xử lý các bến đò tự phát”.Ông Nguyễn Thế Xiêu, chủ tịch xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết: “Có thể thanh tra giao thông không biết hoặc không đủ lực lượng đi kiểm tra thường xuyên. Còn cấp xã chúng tôi không đủ thẩm quyền xử lý, neo giữ phương tiện nên chỉ nhắc nhở khiến bến đò tự phát vẫn lén lút hoạt động”

Bến đò chưa hoàn chỉnh vẫn cấp phép

Mấy năm nay trên kênh Tri Tôn, nơi cách cầu Vịnh Tre, huyện Châu Phú chừng 2km có một bến đò tự phát, gọi là bến đò Kinh Ba. Thấy bến đò này không đảm bảo an toàn, suýt gây ra tai nạn nên người dân nhiều lần phản ảnh với địa phương.Trung tá Châu Văn Hồng, trưởng Công an xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, cho biết thanh tra giao thông nhiều lần kiểm tra bến đò này nhưng sau đó bến vẫn vô tư đưa rước khách.

Ngày 19-9-2011, Công an xã Vĩnh Thạnh Trung kết hợp với thanh tra, công an huyện kiểm tra lập biên bản, đình chỉ hoạt động đối với bến đò này.Mới đây, bến đò này đã được Sở GTVT An Giang cấp phép hoạt động. Bà Đỗ Thị Thu Trang, trưởng Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT An Giang, cho biết bến đò này do một hộ dân tự đầu tư và xin phép, qua kiểm tra thấy đủ điều kiện nên cấp phép.Bà Trang nói bến đò trên đủ điều kiện để được cấp phép nhưng trong biên bản kiểm tra để cấp phép của Phòng quản lý giao thông vào ngày 17-11-2011 có ghi rõ: phương tiện hết hạn đăng kiểm, cần bổ sung biển báo phụ, đèn chiếu sáng, cọc neo, trụ tựa vào bến; còn đường dẫn cần cải tạo lại.

Theo Đ.VỊNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm