Nguồn phóng xạ: Quản không chặt, tai họa có ngày

Dù thiết bị chứa nguồn phóng xạ thất lạc ở TP.HCM đã được tìm thấy nguyên vẹn nhưng sự cố này gây không ít lo ngại về công tác quản lý các thiết bị chứa nguồn phóng xạ đang được sử dụng tại Việt Nam.

Tìm thấy trong vựa ve chai

Một chuyên gia nhiều năm công tác trong lĩnh vực an toàn bức xạ cho biết thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất cắp ở TP.HCM được gọi là máy chụp ảnh bức xạ công nghiệp. Loại máy này được sử dụng khá nhiều ở Việt Nam với mục đích kiểm tra các cấu kiện, mối hàn...

“Ví dụ muốn kiểm tra mối hàn của vỏ bình gas có đảm bảo hay không, nhân viên sẽ cho nguồn phóng xạ đi qua mối hàn, bên dưới có đặt một tấm phim. Nếu phim có màu càng đen thì chứng tỏ mối hàn không đảm bảo” - chuyên gia này giải thích.

Cũng theo vị này, “loại máy trên có nguồn phóng xạ rất nguy hiểm nên theo quy định khi vận hành máy phải làm hàng rào, gắn biển cảnh báo không cho người đi vào khu vực máy đang hoạt động với bán kính khoảng 100 m. Sau khi sử dụng xong, thiết bị phải được cất vào kho, bảo quản cẩn thận. Việc để mất thiết bị như vừa qua chứng tỏ đơn vị sử dụng quản lý thiết bị không tốt”.

Thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất cắp ở TP.HCM. (Ảnh do Sở KH&CN TP.HCM cung cấp)

Ngoài ra, đơn vị sử dụng thiết bị trên đã báo tin thất lạc quá trễ. Một chuyên gia Bộ KH&CN vừa tham gia cuộc tìm kiếm thiết bị nói trên cho biết: Thiết bị bị mất từ ngày 12-9 nhưng đến ngày 15-9 đơn vị sử dụng máy mới báo cho công an và Sở KH&CN TP.HCM. Trong khi theo quy định đơn vị sử dụng phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước và công an khi phát hiện thiết bị bị thất lạc.

“Do nhận được tin báo muộn, các đoàn tìm kiếm phải khẩn cấp chia nhau kiểm tra hàng chục cơ sở buôn bán phế liệu cũng như các điểm buôn bán thiết bị điện xung quanh khu vực bị mất cắp. Rất may là chiếc máy chưa bị đập phá hay tái chế nấu chảy gây phát tán nguồn phóng xạ ra môi trường” - một cán bộ tham gia tìm kiếm cho biết thêm.

Nên gắn chip định vị để theo dõi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài loại máy trên hiện nay còn nhiều loại thiết bị khác có chứa nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng tại TP.HCM. Trong lĩnh vực xây dựng có máy kiểm tra độ ẩm, thân đập, nền đường; lĩnh vực y tế như máy xạ trị từ xa; lĩnh vực môi trường có máy đo bụi...

Theo quy định tất cả thiết bị chứa nguồn phóng xạ do các đơn vị mua và sử dụng đều phải được Cục Kiểm soát an toàn bức xạ-hạt nhân quản lý. Ngoài ra, đơn vị sử dụng thiết bị còn phải đăng ký với Sở KH&CN của địa phương. Hằng năm Cục An toàn bức xạ và Thanh tra Sở KH&CN địa phương chỉ kiểm tra, thanh tra một lần nên việc đảm bảo an toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị sử dụng.

“Với hiểu biết về lĩnh vực phóng xạ còn nhiều hạn chế như hiện nay, cơ quan quản lý nên gắn chip định vị GPS đối với những thiết bị chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm cao đang được sử dụng để theo dõi. Như thế khi xảy ra sự cố mất an toàn, thất lạc, mất trộm... sẽ dễ dàng tìm ra, tránh nguy hiểm cho người dân” - một cán bộ Bộ KH&CN nói.

TRUNG THANH

Khởi tố hai bị can trộm thiết bị chứa phóng xạ

Công an quận Tân Bình (TP.HCM) ngày 21-9 cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can Đặng Xuân Lưu (quê Quảng Ngãi) và Ngô Quốc Vương (cả hai đều ngụ TP.HCM) về tội trộm cắp tài sản. Lưu và Vương là hai người trộm thiết bị chứa phóng xạ của Công ty TNHH APAVE châu Á-Thái Bình Dương.

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai rạng sáng 12-9, Vương chở Lưu đi lòng vòng kiếm nhà sơ hở để trộm cắp. Khi đến nhà số 521/67/60A Nguyễn Đình Khơi (phường 4, Tân Bình) thì đột nhập vào. Thấy trong nhà chỉ có chiếc máy Xray (chứa nguồn phóng xạ nguy hiểm Iridium), họ đã lấy về. Sau đó Lưu mang ra vựa ve chai tại phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) để bán nhưng người mua chỉ đồng ý mua với giá 200.000 đồng nên Lưu không bán mà mang về phòng trọ tại số 111/15 Vườn Lài (phường Phú Thọ Hòa, Tân Phú).

Được biết sau khi bị bắt, ban đầu Lưu khai có người bạn tên N. gửi máy cho mình giữ giúp. Tuy nhiên, sau đó Lưu đã thừa nhận chính mình trộm và khai thêm đồng phạm là Vương... Theo Công an quận Tân Bình, chiếc máy bị trộm có giá trị 370 triệu đồng.

LƯU NGUYỄN

Với thiết bị mất cắp nói trên, nguồn phóng xạ được chứa trong lõi kim loại, bên ngoài có bọc vỏ thép rất chắc chắn. Nếu bên ngoài thiết bị bị đập vỡ, phóng xạ cũng chưa phát tán ra ngoài. Tuy nhiên, nếu lõi kim loại chứa phóng xạ bị đập vỡ hay nấu chảy (với nhiệt độ 300oC trong ba giờ) thì phóng xạ sẽ phát tán ra môi trường.

Nguồn phóng xạ gần như vô hình, tất cả giác quan của con người đều không thể nhận biết. Nếu bị chiếu xạ ở mức cao làm bỏng da, da hoại tử... thì người dân cũng không thể nhận biết được nguyên nhân do đâu. Vì thế trong trường hợp máy chứa nguồn phóng xạ bị thất lạc, việc nên làm đầu tiên là thông báo rộng rãi cho người dân được biết để tránh tiếp xúc với thiết bị. Ngoài ra cũng nên ghi thêm chữ tiếng Việt trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ cho người dân biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm