Nguồn phóng xạ bị mất: 'Do quản lý ẩu'!

Sáng 7-4, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc họp thứ hai với ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xoay quanh công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ Co-60 của Nhà máy thép Pomina 3 bị thất lạc.

Cuộc họp tiến hành đánh giá các khả năng có thể xảy ra trong việc thất lạc nguồn phóng xạ và triển khai, khoanh vùng phạm vi tìm kiếm nguồn phóng xạ. Theo đó, đoàn sẽ tiến hành dò tìm tại các cơ sở nấu chì, công ty xử lý rác thải tại huyện Tân Thành. Đồng thời đưa ra phân tích thông tin anh Trần Văn Toàn - nhân viên xử lý rác (Nhà máy xử lý rác thải KbecVina, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) báo việc đã từng nhìn thấy một vật thể nghi là hộp đựng nguồn phóng xạ tại bãi rác Tóc Tiên.

Tìm nơi bãi rác nghi bị lấp: Chưa ra

Ngay trong chiều 7-4, đoàn công tác do ông Tấn dẫn đầu cùng với Sở KH&CN, Công an tỉnh, Công an huyện Tân Thành, ngành liên quan đã khẩn trương đi xuống Nhà máy Kbec gặp trực tiếp anh Toàn.

Trao đổi với báo chí và đoàn, anh Toàn cho biết: “Cách đây 6-7 tháng (tôi không nhớ chính xác), những người nhặt rác tại bãi rác có đưa vào một vật nghi là chất nổ, nặng khoảng 7 kg. Tôi thấy trên đó có khóa chốt, bên ngoài hình tam giác cảnh báo và màu sáng bạc. Tôi đã báo việc này đến Công an xã Tóc Tiên. Khi đó có hai công an xã xuống nhưng lại cho rằng đó không phải chất nổ. Do đó tôi đã quăng nó trở lại đống rác để san lấp. Từ đó tới nay ước tính lượng rác đã lấp lên cao khoảng 10 m. Hôm qua, khi đọc thông tin về thiết bị phóng xạ này, qua quan sát của tôi về hình dáng, kích thước, màu sắc, cấu tạo nguồn phóng xạ bị thất lạc, tôi thấy giống và nhận ra đó đúng là vật tôi đã từng vứt đi trước đây. Vì thế tôi báo tin cho cơ quan chức năng”.

Đoàn công tác tiếp xúc với anh Trần Văn Toàn - nhân viên Nhà máy Kbec, người báo tin đã từng thấy vật nghi là nguồn phóng xạ. Ảnh: TK

Ngay sau đó, đoàn công tác đã dùng máy dò để tìm kiếm tại khu vực bãi rác. Tuy nhiên, liều suất phóng xạ rất thấp, gần như bình thường. Ông Vương Hữu Tấn cho rằng từ thông tin của anh Toàn, cơ quan chức năng sẽ còn phải xác minh lại. Bởi như thông báo Nhà máy thép Pomina 3, nguồn phóng xạ có trọng lượng khoảng 45-50 kg. Thời gian mất không trùng thời điểm anh Toàn và những người nhặt rác thấy. Việc tìm kiếm vật thể như anh Toàn thấy cũng cần có phương án vì thời gian đã lâu và lượng rác chôn rất lớn.

Ngoài bãi rác Tóc Tiên, đoàn cũng đã đi tới các nhà máy xử lý rác thải khác, cơ sở nấu chì để dùng máy dò tìm nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, đến chiều 7-4 vẫn chưa có thông tin gì. Theo ông Đỗ Vũ Khoa - cán bộ Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài thông tin anh Toàn đã báo, tính đến chiều cùng ngày chưa có thông tin nào khác ngoài một số người dân gọi hỏi về sự cố trên.

“Còn nhận thức lơ mơ”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Bùi Văn Thảo - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết việc điều tra nguyên nhân thất lạc nguồn phóng xạ trên vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Cơ quan điều tra đã làm việc với ông Đào Đức Hùng - nhân viên an toàn bức xạ trước đây của Pomina 3. Ông Hùng cung cấp một số thông tin liên quan đến thời điểm mất thiết bị này. Tuy nhiên, “giữa lời trình bày của ông Hùng về thời gian phát hiện nguồn phóng xạ bị mất và phía Nhà máy Pomina 3 đưa ra còn có điểm mâu thuẫn, chưa rõ. Chúng tôi chưa thể kết luận chính xác để cung cấp tới báo chí. Chúng tôi vẫn đang khẩn trương điều tra. Nếu sau quá trình điều tra có đủ cơ sở của hành vi trộm cắp tài sản sẽ khởi tố vụ án” - Đại tá Thảo cho hay.

Ông Vương Hữu Tấn cũng cho biết thêm, liên quan đến việc mất nguồn phóng xạ, sắp tới Cục sẽ tiến hành thanh tra toàn diện nhà máy trên.

Theo ông Tấn, việc tháo dỡ hay lắp đặt, thay thế nguồn phóng xạ đơn vị sử dụng đều phải báo với Cục và phải có sự đồng ý của Cục, không được tự ý làm. “Quy trình làm đều phải có biên bản, chứng từ, giấy phép. Trường hợp vứt bỏ hay lưu giữ lâu dài trong kho cũng phải có giấy phép, thậm chí vị trí kho cũng do Nhà nước chỉ định”. Ông Tấn nhấn mạnh: “Kho lưu trữ nguồn phóng xạ của Pomina 3 chưa đảm bảo về an ninh. Qua làm việc tôi thấy lãnh đạo Pomina 3 còn nhận thức lơ mơ về việc đảm bảo an toàn nguồn phóng xạ trong nhà máy. Việc xảy ra sự cố là do họ quản lý ẩu, không tuân thủ các quy định về an toàn phóng xạ”.

Cũng theo ông Tấn, việc tìm kiếm nguồn phóng xạ vẫn sẽ được tiến hành đồng thời với việc điều tra nguyên nhân thất lạc. Trong trường hợp không tìm ra được nguồn phóng xạ, các cơ quan chức năng sẽ cùng ngồi lại để có phương án.

Kiến nghị lắp thiết bị giám sát nguồn phóng xạ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết sau vụ mất nguồn phóng xạ tại TP.HCM, Cục kiến nghị sửa đổi Thông tư 23/2010 về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Theo đó, sắp tới thông tư mới ban hành theo hướng nguồn phóng xạ di động phải lắp thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ. Hai yêu cầu để giám sát một là vị trí, hai là suất liều bức xạ. Tức là nếu nguồn phóng xạ di chuyển từ tỉnh A sang tỉnh B, cơ quan quản lý tại địa phương có thể biết được. Hiện đã có ba công ty trong nước có thể sản xuất thiết bị này. Họ nhập một số thiết bị đầu dò của nước ngoài, còn phần mềm điện tử có thể chế tạo được.

Còn đối với những nguồn phóng xạ cố định trong nhà máy như nguồn phóng xạ đang bị thất lạc thì không cần thiết phải gắn thiết bị giám sát. Ông Tấn cho hay trên thế giới cũng không gắn thiết bị này.

Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cho biết với nguồn phóng xạ bị thất lạc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nếu tiếp xúc trực tiếp thời gian kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, còn ở cách xa vài mét trở lên thì không quá nguy hiểm đến sức khỏe.

Theo đó, khi phát tán ra bên ngoài những người dân bình thường không am hiểu ôm sát vào người sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như bị bỏng, ảnh hưởng đến da, nặng thì bị nhiễm xạ có nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, những vấn đề này phải đi khám, đánh giá triệu chứng, phân tích mới có kết luận cụ thể.

T.KHÁNH - P.ĐIỀN

TP.HCM khẩn cấp gắn định vị trên 124 thiết bị phóng xạ

Theo VNN, sáng 7-4, tại cuộc họp khẩn của UBND TP liên quan đến việc quản lý, giám sát các thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở KH&CN và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, ĐH Quốc gia TP.HCM) ngay trong ngày 8-4 thực hiện gắn thiết bị định vị theo dõi 124 thiết bị phóng xạ di động trên địa bàn TP.HCM.

Theo lãnh đạo Sở KH&CN, sau vụ mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân tại Công ty TNHH Apave châu Á-Thái Bình Dương Chi nhánh TP.HCM vào ngày 15-9-2014, UBND TP đã chỉ đạo sở này phối hợp với ICDREC tiến hành khảo sát và lắp đặt thiết bị định vị trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ để quản lý, theo dõi. Tuy nhiên, tới nay các đơn vị liên quan vẫn chưa thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.

Sau khi nghe báo cáo, ông Hà nói: “Nếu chúng ta để thiết bị lang thang ngoài đường thì có khác gì quả bom. Chúng ta không nên loay hoay nữa. Nguy hiểm nguồn phóng xạ nếu thất lạc mới là quan trọng, vì để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì tiền nào lo cho đủ”.

ML

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.