Người Tân Hóa không còn chạy lên đỉnh núi khi lũ về

Trước đây, mỗi khi lũ lụt là các hang đá, lèn núi cao trở thành nơi trú ẩn của người dân và gia súc. Đỉnh lũ tháng 10-2010, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngập sâu trong biển nước gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là về tài sản.

Rút kinh nghiệm từ đỉnh lũ lịch sử đó, người dân ở đây đã sáng tạo làm nhà nổi bằng thùng phuy nhựa và phao để tránh lũ. Từ đó, những mùa mưa bão về sau, người dân vùng rốn lũ Tân Hóa đã chủ động di chuyển người và tài sản lên gác trên của mái nhà hoặc vào nhà phao để tránh trú.

Chiếc phao cứu sinh giữa lũ

Tân Hóa là xã vùng sâu vùng xa, đời sống người dân bản địa còn lắm khó khăn, xung quanh là những dãy núi đá vôi cao, tạo nên địa hình lòng chảo. Khi mưa lũ đổ về, nơi đây trở thành túi nước khổng lồ.

Ngôi nhà chính đã bị ngập đến nóc, người dân đang ngồi trên ngôi nhà nổi. Ảnh: NGUYỄN DO

Ngày 3-9, nước lũ đột ngột đổ về, người dân nhanh chóng chuyển những tài sản sang ngôi nhà nổi. Trong một thời gian ngắn, nước lũ đã chia cắt địa phương với thế giới bên ngoài. Những ngôi nhà chính nước ngập đến nóc, nước lũ ngập sâu khoảng 4 m, nhiều nơi lên đến 10 m.

Giữa mênh mông dòng nước, Tân Hóa gần như mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi tiếp tế gần như bị cắt đứt vì nước chảy mạnh, khó tiếp cận được những khu vực xa trung tâm. Lúc này, nhà nổi như là chiếc phao cứu cánh của hàng trăm người dân ở đây.

Khi nước lũ lên đến đâu, nhà phao nổi đến đó, nước rút thì nhà xuống theo. Hết mưa lũ, nhà phao sẽ được người dân sử dụng vào những việc khác như làm nhà kho hoặc nơi dự trữ lương thực.

"Nhà nổi chính là phao cứu sinh của chúng tôi, mấy ngày mưa lớn, gia đình tôi đã thu dọn hết đồ đạc, di chuyển người và thực phẩm lên nhà phao và lùa gia súc lên lán trại ở trên núi. Tuy xây nhà tránh lũ tốn nhiều tiền nhưng cũng vẫn an tâm hơn và không lo cảnh chạy lụt như trước nữa", bà Trương Thị Liệu, thôn 1 Cổ Liên, xã Tân Hóa cho biết.

Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết nhà phao là một cách để người dân ở đây sống chung với lũ. Những năm trước, khi chưa có nhà phao thiệt hại về người, tài sản của người dân rất lớn. Năm nay địa bàn đến thời điểm này không có thiệt hại về người, chỉ có hai con trâu bị chết vì không kịp chạy về các vách núi đá.

Hiện nay cả xã Tân Hóa có khoảng 400 ngôi nhà nổi. Mỗi ngôi nhà nổi có giá trị khoảng 25-40 triệu đồng tùy theo kích thước lớn nhỏ.

Học cách sống chung với lũ

Nhưng giữa vùng lũ, chỉ học cách nổi trên mặt nước thôi vẫn chưa đủ. Để sống được trên nhà phao trong một trận lũ thường kéo dài cả tuần, nên trước khi có lũ, chính quyền địa phương nhanh chóng thông báo cho người dân chuẩn bị thức ăn.

"Thức ăn, nước uống phải chuẩn bị nhiều để tồn tại được 7-10 ngày, để đảm bảo người dân đủ thức ăn trước khi lực lượng chức năng và các đoàn cứu trợ tiếp cận được những ngôi nhà" - ông Đá nói.

Bên trong ngôi nhà nổi. Ảnh: NGUYỄN DO

Nhờ những căn nhà nổi và thức ăn chuẩn bị sẵn, mà em Dương Xuân Lương (học sinh lớp 2) vừa ngồi trong căn nhà nổi chất nhiều bao lúa, áo quần, chăn màn nói: "Không còn sợ lũ nữa".

Bà Nguyễn Thị Quế (70 tuổi, trú tại thôn 4, xã Tân Hóa) cho biết từ khi có nhà nổi, người dân đã bớt lo sợ mỗi khi lũ về. Nhà phao không chỉ giúp bảo vệ tính mạng con người mà còn giúp người dân dự trữ lương thực phẩm an trong mấy ngày lũ và sau lũ.

Đến chiều 6-9, trời hết mưa, nước lũ rút dần nhưng tại Tân Hóa vẫn bị chia cắt, nhiều nơi vẫn ngập đến nóc nhà. Những cán bộ, chiến sĩ bộ đội cùng với nhiều đoàn cứu trợ chuyển những chuyến hàng cứu trợ đến người dân vùng rốn lũ. Nhiều chiến sĩ đến 3 giờ chiều vẫn chưa ăn trưa.

Ngồi trên chiếc ca nô vận chuyển nước và mì tôm đến với người dân thôn 4, địa phương xa nhất của xã Tân Hóa, Trung tá Cao Sĩ Chung, Phó chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa, cho biết từ khi nhận thông tin từ cấp trên, một tổ gồm năm người được phân công về thường trực tại UBND xã Tân Hóa. Những ngày qua, đơn vị đã kịp thời tiếp cận vận chuyển hai ca bị thương nặng, ba ca chuyển dạ chuẩn bị sinh.

Theo ông Đinh Văn Lĩnh, Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa thì vài năm gần đây, mô hình nhà tránh lũ, nhà nổi được bà con tự làm khá nhiều theo nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Nhà nổi cơ bản phát huy được tác dụng phòng chống thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Một số hộ nghèo, gia đình khó khăn được chính quyền hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ thêm cũng đã bắt đầu xây nhà phao tránh lũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm