Người phát hiện gỗ sưa tiền tỉ sẽ được chia bao nhiêu?

900 triệu đồng mua lại công phát hiện

Từ thông tin phát hiện của cha con ông Nguyễn Văn Thời, cơ quan chức năng đã trục vớt thành công khúc gỗ sưa dài khoảng 1,8 m, nặng gần hai tấn, đường kính 1,5 m, bị rỗng ruột ở khu vực trên. Ước tính khúc gỗ này có giá khoảng trên dưới 5 tỉ đồng. Trong quá trình này, ông Hùng “mía” (trùm buôn gỗ tại Bố Trạch) đã bỏ gần 900 triệu đồng cho cha con ông Thời để mua lại suất “người phát hiện gỗ sưa” của ông Thời (để hưởng 10% giá trị đấu giá của gỗ sưa) theo kiểu lời ăn lỗ chịu.

Chiều 26-2, khúc gỗ sưa tiền tỉ đã được đưa lên bờ. Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, trả lời PLO, các cơ quan chức năng ở Quảng Bình đều khẳng định không có chuyện hứa thưởng 10% giá trị gỗ sưa này. Người phát hiện thông tin về gỗ sưa sẽ được thưởng “theo quy định” nhưng quy định ở văn bản nào, và cụ thể là thưởng bao nhiêu thì họ không nói.

Thưởng không quá 200 triệu đồng?

Vậy theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cha con ông Thời phát hiện khúc gỗ sưa tiền tỉ sẽ được chia bao nhiêu tiền?

Điều 16 Nghị định 96/2009 (về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam) quy định: Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng tương ứng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia. Mức tiền thưởng trong trường hợp ngẫu nhiên tìm thấy này được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến việc thăm dò, khai quật, trục vớt xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

Cũng theo Nghị định 96/2009, mức tiền thưởng cụ thể do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với tài sản được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia), Chủ tịch UBND cấp tỉnh (đối với tài sản được tìm thấy khác) quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng.

Chắc chắn được chi thưởng

Như vậy, áp vào trường hợp của cha con ông Thời, nếu khúc gỗ sưa có giá trị trên dưới 5 tỉ đồng thì cha con ông Thời sẽ được trích thưởng ở mức 30% của 1% giá trị khúc gỗ sưa sau khi trừ các chi phí liên quan. Giả sử sau khi trừ đi các chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt, giám định tài sản, chi phí vận chuyển, bảo quản tài sản, chi phí xử lý tài sản (chi phí thông báo tìm chủ sở hữu, chi phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu giá tài sản)…, giá trị khúc gỗ sưa còn lại là 5 tỷ đồng thì người phát hiện sẽ được chi thưởng như sau: 30% x (1% x 5 tỉ đồng) = 15 triệu đồng. 

Người phát hiện tài sản chìm đắm có giá trị lớn như khúc gỗ sưa này chắc chắn sẽ được chi thưởng. Nhưng thưởng bao nhiêu thì những ngày tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình sẽ quyết định. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này tới bạn đọc.

TTH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm