Người mua ve chai hưởng 5 triệu yen là hợp lý, hợp tình

PLO giới thiệu ý kiến của Tiến sỹ luật Lê Minh Hùng - Trưởng bộ môn Luật dân sự, trường Đại học Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Theo tiến sỹ Lê Minh Hùng, việc chiếm hữu theo các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ; vật bị đánh rơi, bị bỏ quên; vật bị chôn giấu... được coi là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu. Tùy thuộc tình trạng phát hiện mà có cách áp dụng pháp luật để xác lập sở hữu khác nhau.

Chị Hồng bên gánh ve chai. Ảnh: AN

 Anh Vương cho biết rất bất ngờ vì trong loa thùng chứa số tiền lớn như vậy. Ảnh: AN

Khoản 1 Điều 239 Bộ luật Dân sự quy định: "Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước."

Như vậy, để khẳng định tài sản là vật vô chủ thì phải xác định được việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu. Trong đó thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc bỏ lại tài sản phải là cố ý. Nếu chủ sở hữu bỏ lại tài sản một cách vô ý thì tài sản được xác định là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Việc xác lập quyền sở hữu cho người nhặt được tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Dân sự.

Với vật vô chủ do cố ý từ bỏ thì quyền sở hữu của người phát hiện được xác lập ngay, ngoại trừ bất động sản hoặc tài sản không có người thừa kế thuộc Nhà nước sở hữu.

Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu và không có căn cứ để xác định việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu thì tài sản được coi là "vật không xác định được chủ sở hữu". Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự.

Theo tiến sỹ Lê Minh Hùng, vợ chồng người mua ve chai là người đã phát hiện ra số tiền trên trong cái loa là tài sản mà họ mua tại nhà của mình. Đương nhiên người bán loa cho người mua ve chai chỉ định đoạt về quyền sở hữu với cái loa chứ không định đoạt số tiền ẩn chứa trong đó.

Trong khi đó, điều 241 BLDS quy định “người nào nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên…”. Vật bị đánh rơi, bỏ quên theo quy định điều 241 phải là vật do chủ sở hữu vô ý từ bỏ, vật đó đã ra ngoài kiểm soát, chiếm hữu trái với ý chí của chủ sở hữu. Thêm nữa, vật bỏ quên, đánh rơi được người nhặt được tại vị trí nhất định như tại nhà, trên xe bus, chợ, nơi công cộng,… Có thể số tiền trên là vật bỏ quên (cất giấu trong loa rồi quên). Tuy nhiên cách bỏ quên không hẳn giống như quy định tại điều 241. Hơn nữa người mua ve chai cũng không nhặt được số tiền trên.

Trên thực tế, cái loa đó có thể đã trải qua rất nhiều chặng đường để tới tay của người mua ve chai. Ví dụ có thể cái loa được đưa từ Nhật về Việt Nam, đến kho công ty nào đó thấy chất lượng không tốt nên lưu kho, rồi lâu thành hư, bị vứt bãi rác. Rồi sau đó, bị mua qua, bán lại nhiều lần mới đến tay người mua ve chai phát hiện có tiền trong đó…

Như thế, trong trường hợp này, người mua ve chai phát hiện ra tài sản mà không biết ai là chủ sở hữu và cũng không có căn cứ xác định được chủ sở hữu là ai thì áp dụng quy định tại khoản 2 điều 239 BLDS là phù hợp. Bởi lẽ, điều 239 là quy định chung, còn các điều 240 (xác lập quyền sở hữu với vật bị chôn giấu, chìm đắm được tìm thấy), điều 241 ( xác lập quyền sở hữu với vật đánh rơi, bỏ quên) là quy định riêng. Nếu quy định riêng không thỏa mãn các điều kiện khi áp dụng thì quay về áp dụng quy định chung. Pháp luật bảo vệ sở hữu của người chủ sở hữu đồng thời bảo vệ quyền sở hữu đươc xác lập của người phát hiện. Trường hợp người ve chai tìm thấy số tiền trên thì áp dụng khoản 2 điều 239 BLDS là ổn hơn. Áp dụng như vậy, thời gian kể từ khi thông báo là một năm, đủ để người chủ sở hữu thật sự nhận lại. Nếu không thì người mua ve chai có thể hưởng toàn bộ số tiền trên cũng là hợp lý, hợp tình.

Ái Nhân ghi


5 triệu yen trong loa thùng cũ 

Như PLO đã đưa tin, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - anh Trịnh Minh Vương (hẻm trên đường Trần Văn Quang, phường 10, Tân Bình, TP.HCM) làm nghề buôn bán ve chai. Chiều 21-3, trong khi tháo dỡ chiếc thùng loa (loại của Nhật) mua được từ trước tết Nguyên đán, hai vợ chồng anh Vương thấy một hộp gỗ nhỏ chứa hơn 5 triệu yen Nhật (khoảng trên 1 tỷ đồng). Sau đó, vợ chồng anh đã giao nộp số tiền trên cho công an phường 10, quận Tân Bình.

Đến nay, đã có hàng chục người đến nhận mình là chủ sở hữu của số tiền trên, thậm chí có trường hợp còn thuyết phục vợ chồng người mua ve chai hãy phối hợp với họ để nhanh chóng lấy tiền trên chia nhau. Tuy nhiên, phía công an Tân Bình vẫn đang xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm