Người Hà Nội “đuối” vì đổi giờ

Tờ mờ sáng 1-2, hàng vạn học sinh THPT và sinh viên Hà Nội đã ùa ra đường để đến trường. Lý do: Cho kịp giờ học theo điều chỉnh mới của TP, theo đó học sinh THPT và sinh viên sẽ phải vào học lúc 7 giờ, sớm hơn nửa tiếng so với trước đây.

Đi tinh mơ, về tối mờ

Trạm xe buýt khu vực cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng) từ 6 giờ sáng đã có rất đông học sinh, sinh viên đứng đón xe. Đứng run lập cập, em Bùi Mạnh Khoa, học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, cho biết đã phải dậy từ 5 giờ để ra đón xe. “Nhà em cách trường gần 10 km. Theo lịch học mới, em phải đón xe buýt sớm hơn nửa tiếng mới kịp giờ học” - Khoa nói.

Lúc 6 giờ 30 sáng, đoạn ngõ Hòa Bình dẫn vào Trường THPT Hai Bà Trưng (quận Minh Khai) nườm nượp học sinh và phụ huynh đưa con đến trường. Một số em vừa rảo bước vừa ăn xôi, bánh mì hay hút tạm hộp sữa. Nét mặt ai cũng tỏ ra còn ngái ngủ vì phải dậy sớm hơn mọi ngày. “Thường ngày cháu vẫn tự đến trường nhưng hôm nay tôi phải chở cháu đi vì sợ nó vào lớp muộn. Lịch học của cháu chỉ sớm hơn nửa tiếng thôi mà cả nhà quay theo cứ như chong chóng ấy” - anh Nguyễn Hữu Vân (Lĩnh Lam, Hoàng Mai), một phụ huynh, cho biết.

Trong khi nhiều học sinh, sinh viên học ca sáng phải bỏ cả ăn sáng để kịp giờ vào lớp thì nhóm học ca chiều lại tan trường lúc trời đã tối mịt. Tại Trường THPT Chu Văn An (phố Thụy Khê), lần đầu tiên các em học sinh phải lũ lượt tan học trong ánh đèn đêm. Gương mặt em nào cũng tỏ vẻ mệt mỏi vì chưa kịp thích ứng với những tiết học quá muộn. Học sinh Nguyễn Thu Huyền cho biết: “Bình thường lúc 7 giờ tối là cả nhà em đã ăn cơm. Giờ em đói meo mà phải nửa tiếng nữa mới đạp xe về đến nhà (nhà Huyền cách trường 8 km), chắc không nuốt nổi cơm quá. Ngày mai em phải mang đồ ăn đi lót dạ”.

Người Hà Nội “đuối” vì đổi giờ ảnh 1

Nhiều học sinh THPT ở Hà Nội mệt mỏi rời trường học lúc trời đã tối mịt. Ảnh: Bảo Lâm

Trao đổi với chúng tôi, khá nhiều học sinh THPT học ca chiều cho hay lịch học mới khiến các em khá mỏi mệt, trong khi áp lực học khá nặng (nhất là đối với những học sinh cuối cấp). “Ngày nào cũng về muộn, rồi còn cơm nước, nghỉ ngơi thì không biết em dành thời gian học bài vào lúc nào nữa” - một học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An nói.

Rối tung theo đổi giờ

Gặp chúng tôi tại cổng Trường Tiểu học Đồng Nhân, chị Nguyễn Thu Hiền (Vĩnh Tuy) cho biết sáng nay phải xin đi làm muộn 30 phút để chở hai đứa con (một tiểu học, một mẫu giáo) tới lớp. “Trước đây tôi đưa cả hai đứa đến trường xong chạy đến cơ quan vẫn kịp giờ làm việc. Nhưng giờ lịch học mới các cháu trùng với giờ làm của tôi nên đưa con đến trường kịp lúc thì mẹ lại muộn làm. Chắc từ mai tôi phải chở chúng đến sớm để cả hai chơi ở trường chờ vào học, chứ không ngày nào cũng bị trừ lương vì đến muộn mất” - chị Hiền nói.

Khá nhiều phụ huynh cũng cho biết họ rối tung lên vì giờ học của con cái lệch so với giờ làm của mình. Đặc biệt những người thuộc nhóm ngành dịch vụ, thương mại, giáo viên có con nhỏ nhưng phải làm việc đến 7 giờ tối. Chị Trần Thị Hồng, nhân viên một công ty du lịch, cho biết đứa nhỏ học mẫu giáo của chị 5 giờ đã tan học, trong khi đến 7 giờ tối chị mới được về. “Tới đây hai vợ chồng tôi phải thuê người đón con. Lương cả hai vợ chồng chả được bao nhiêu, giờ chi thêm khoản này nữa, thắt hết cả ruột” - chị Hồng than thở.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Sỹ Khiêm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), cho biết để thực hiện chủ trương đổi giờ học, giờ làm của TP, nhà trường đã phải thay đổi thời khóa biểu, điều chỉnh giờ làm việc của giáo viên, cũng như trang bị thêm một số hệ thống đèn chiếu sáng. “Nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên sẽ phải sắp xếp lại giờ giấc sinh hoạt trong gia đình để thích ứng với lịch học mới. Trường tôi nhiều giáo viên cũng kêu khó khăn vì phải đưa đón con. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể ưu tiên cho các giáo viên có con nhỏ không phải dạy vào những tiết đầu của ca sáng và tiết cuối của ca chiều” - ông Khiêm nói.

Ông Nguyễn Hoàng Kim, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính, cũng cho biết việc đổi giờ sẽ gây nhiều khó khăn cho học sinh và giáo viên. Hiện nhà trường vẫn đang thu thập ý kiến phản hồi từ phía học sinh và các phụ huynh để báo cáo lên Sở GD&ĐT. “Mấy tháng nữa là mùa hè, chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề điện. Nếu bị cúp điện, học sinh học muộn thế sẽ phải nghỉ, chương trình học sẽ không đảm bảo. Mặt khác, việc thay đổi giờ học chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nhịp sinh học và sức khỏe của các em. Điều này cần phải tính toán thêm” - ông Kim nói.

Theo ghi nhận, một số tuyến đường của Hà Nội đã thông thoáng hơn trong ngày đầu tiên điều chỉnh giờ học, giờ làm. Tuy nhiên, nhiều con đường vẫn bị ùn ứ vào buổi sáng như Thái Thịnh, Minh Khai, Trường Trinh, Tây Sơn. Chị Nguyễn Thị Thu (quận Minh Khai) cho hay buổi sáng các tuyến Minh Khai, Trường Trinh, Trần Duy Hưng… vào giờ cao điểm vẫn bị ùn tắc nhưng vào giờ cao điểm chiều thì đường đã thông thoáng hơn mọi ngày.

Đánh giá về ngày đầu tiên điều chỉnh giờ học, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho hay: “Giao thông của Hà Nội đã bớt nóng vì giờ cao điểm đã được giãn ra so với trước, hầu hết các điểm nóng giao thông chỉ ùn ứ chứ không xảy ra tình trạng ách tắc kéo dài”.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm