Người có vấn đề về thần kinh mà làm ĐBQH thì rất nguy hại

Lệ thuộc Trung Quốc: Không nên đổ thừa do 'âm mưu thủ đoạn

Nói tiếng nói của dân và quyền miễn trừ của đại biểu

Sáng 5/11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tại nghị trường. Theo dự thảo, người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội phải có danh sách trích ngang, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong buổi thảo luận tổ chiều cùng ngày, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất, trong luật cần phải cụ thể hoá tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã ghi trong Hiến pháp. Theo ông Nghĩa, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND thì phải có tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng. Ngoài hồ sơ ứng cử, lý lịch tư pháp, thì phải có phiếu khám sức khoẻ.

"Khám sức khoẻ cho người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám sức khoẻ lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì hậu quả nhiều khi khó giải quyết vì nhiệm kỳ kéo dài tận 5 năm", ông Nghĩa nói và cho rằng, nhiều hoạt động chung của đoàn đại biểu sẽ bị ảnh hưởng khi có người trình độ thấp và thần kinh không đảm bảo.

Truong-Trong-Nghia-3942-1415183351.jpg

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đồng ý với đề xuất trên, đại biểu Phạm Văn Gòn nhấn mạnh, người được bầu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội phải có chứng nhận sức khoẻ, không phải khám như người bình thường mà cần có những tiêu chí cụ thể hơn. "Những người tưng tưng không được cho vào danh sách giới thiệu hoặc ứng cử, vì đại biểu Quốc hội đóng vai đặc biệt, đại diện cho nhân dân cho ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước", ông Gòn góp ý.

Đại biểu Nguyễn Văn Minh và Trần Du Lịch cũng đồng tình cần phải khám sức khoẻ và lý lịch tư pháp. Ông Minh cho rằng những người tự ứng cử cần phải có điều luật riêng, với những tiêu chí phải đảm bảo. Còn ông Lịch thì nhấn mạnh, không thể có người mất năng lực hành vi dân sự làm đại biểu Quốc hội.

"Những người được bầu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội phải không được có tiền án, tiền sự. Nếu chỉ quy định là "trung thành với đất nước" thì ai chẳng tự nhận là không trung thành. Ngoài ra, người ứng cử phải có bản kê khai tài sản minh bạch. Hiện nay tôi thấy tự kê khai ông nào cũng nghèo hết", ông Lịch nói.

Giữ nguyên quan điểm chất lượng của Quốc hội tuỳ thuộc vào chất lượng của đại biểu, ông Đỗ Văn Đương đồng tình với đề xuất phải lựa chọn những người có tâm huyết với đất nước, nhân dân, dám nói dám làm.

"Dự thảo quy định tiêu chí còn đơn giản quá. Tôi đề nghị đưa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chi tiết để các cơ quan nhìn vào đó mà giới thiệu và để cử tri biết rõ trước khi bầu cử. Đó phải là người có năng lực và uy tín", ông Đương nói.

Tran-du-lich-2-5927-1415183352.jpg

Đại biểu Trần Du Lịch.

Về vận động bầu cử, dự thảo luật quy định Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Uỷ ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương. Nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử.

Dự luật cũng quy định những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, đó là không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình và không được sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Đại biểu Võ Thị Dung nhận xét, những cuộc bầu cử gần đây sôi động vì có các hoạt động tranh cử, vận động bầu cử. "Những người được giới thiệu thì bình thường, nhưng những người ứng cử hoặc có điều kiện thì vận động rất nhộn nhịp. Điều này gây mất công bằng. Vì vậy, tôi đề nghị phải đảm bảo sự công bằng giữa những người có tổ chức giới thiệu và những người tự tham gia ứng cử", bà Dung nói. 

Đại biểu Nguyễn Văn Minh đề xuất, luật nên quy định không được sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin để vận động bầu cử. "Lập blog, website để tuyên truyền, vận động bầu cử sẽ có rất nhiều hệ luỵ. Tôi đề nghị cấm", ông Minh nói.

Theo Hoàng Thuỳ (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm