Người bị hại khó hiểu

Mới đây TAND TP.HCM đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án giết người do bị cáo Lê Hoàng Anh thực hiện. Tòa đã phải cật vấn nhiều lần ông Võ Văn Tài - người bị hại trong vụ án này - trước khi quyết định trả hồ sơ.

Đòi nợ thuê bằng xăng

Theo cáo trạng, tháng 11-2011, ông Tài vay của một Việt kiều Mỹ 4.000 USD. Do ở xa nên người này nhờ em họ đi đòi nợ giúp mình. Ngày 21-2-2012, người em họ này cùng với người cháu của anh ta tên là Nguyễn Bá Thịnh đến nhà ông Tài lấy tiền nhưng không được. Cả hai yêu cầu vợ chồng ông Tài phải viết giấy cam kết với nội dung: “Vợ chồng Tài nợ Thịnh 4.000 USD, đến ngày 28-2-2012 sẽ trả 1.000 USD, số còn lại sẽ trả vào ngày 30-3-2012”. Tài đồng ý viết.

Đến hạn, Thịnh thuê Trần Văn Út cùng đàn em, trong đó có bị cáo Anh, đến nhà ông Tài đòi nợ và sẽ trả 20 triệu đồng tiền công. Ngày 28-2-2012, Thịnh, Anh, Út và đồng bọn đi đòi nợ nhưng ông Tài không có tiền và hứa qua tháng sẽ trả. Lúc này bị cáo Anh bắt ông Tài viết giấy cam kết mỗi tháng tính thêm lãi 70%. Xong, Anh được Út trả công 2,5 triệu đồng.

 
Ông Tài (trái) trong lúc đang chờ tòa nghị án. Ảnh: NGỌC THÂN

Ngày 11-3-2012, Thịnh lại gọi điện thoại cho ông Tài đòi nợ nhưng không được nên tiếp tục thuê bị cáo Anh đến nhà đe dọa ông Tài, yêu cầu phải trả tiền. Nhận lời, Anh mua 0,5 lít xăng đến nhà đổ vào người ông Tài rồi châm lửa đốt với mục đích yêu cầu nạn nhân phải trả nợ. Lần này bị cáo Anh được Thịnh trả công 4 triệu đồng và 300 USD (đã đòi được của ông Tài).

Dùng xăng đốt người là giết người

Điều lạ là trong vụ án này Anh được Thịnh và Út thuê nhưng chỉ một mình bị cáo Anh bị khởi tố, truy tố tội cố ý gây thương tích. Lạ hơn nữa, dù bị thiêu đốt toàn cơ thể nhưng ông Tài lại từ chối đi giám định vết thương và có đơn xin bãi nại cho bị cáo Anh (nên cơ quan điều tra phải lấy kết quả thương tật qua hồ sơ tại bệnh viện là 29%).

Tháng 9-2012, TAND quận 8 đã tuyên phạt Anh ba năm tù và buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 249 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. VKS quận 8 kháng nghị, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên hủy án, yêu cầu điều tra lại vụ án theo tội giết người. Theo tòa, hành vi dùng xăng đốt người là rất nguy hiểm, dễ dẫn đến chết người. Nếu nạn nhân không chạy vào nhà tắm và kêu người đến dập lửa kịp thời thì sẽ nguy hại đến tính mạng. Ngoài ra, thời điểm nạn nhân bị đốt là vào mùa khô nên lửa rất dễ lan tỏa và gây ra một vụ cháy tập thể. Việc cấp sơ thẩm xử bị cáo ở tội cố ý gây thương tích là không đúng pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (lần này do TAND TP.HCM xử sơ thẩm), bị cáo Anh khẳng định việc dùng xăng đốt nạn nhân chỉ một mình bị cáo làm.

Còn ông Tài thì cho biết từ ngày bị đốt, sức khỏe ông giảm sút và phải sống nhờ vào vợ con. Thế nhưng trước đó, khi cơ quan điều tra một lần nữa mời ông đi giám định tỉ lệ thương tật thì ông Tài một mực từ chối. Trả lời tòa, ông Tài nói trước đây còn nằm trong bệnh viện, vết thương lở loét khắp người, không đi lại được, vợ con phải đi làm nên không ai đưa đi giám định. Còn hiện nay vết thương đã lành, mọi chi phí chữa trị bị cáo đã chi trả nên không đi giám định là điều đương nhiên (?!).

Dấu hiệu đồng phạm

Cũng như những phiên tòa trước, lần này ông Tài vẫn giữ ý định xin bãi nại cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường thêm. Khi tòa hỏi lý do tại sao lại như vậy, ông Tài trả lời không biết. “Tôi đã nhận đầy đủ tiền bồi thường của bị cáo thì tôi phải làm việc gì đó giúp họ” - ông nói.

Tòa hỏi: “Có phải chính bị cáo đã bồi thường 249 triệu đồng và chi trả toàn bộ viện phí cho bị hại?”. Ông Anh: “Tôi không biết. Bị cáo đang đi tù, gia đình khó khăn thì lấy tiền đâu bồi thường”. Rồi ông Tài cho biết toàn bộ số tiền mình nhận được là do một người của gia đình Thịnh đưa. “Tôi nhận tiền từ một người nhà của Thịnh qua thẻ ATM. Mỗi lần nhận một ít. Họ đưa cho tôi từ lúc trong bệnh viện đến nay”.

Tòa hỏi: “Vết thương của ông là do bị cáo Anh gây ra, tại sao ông lại nhận tiền của người nhà Thịnh?”. “Tôi không biết, người ta đưa thì tôi lấy” - ông Tài trả lời. “Vậy bây giờ ông có yêu cầu bị cáo bồi thường không?”. Ông Tài trả lời không. Tòa nói: “Ông thương người, người ta có thương ông không? Vì 4.000 USD người ta đã thuê người giết ông để đòi nợ. Nay ông bị thương tật, phải sống nhờ vào vợ con, đáng lẽ ông phải cùng cơ quan điều tra làm rõ vụ án, sao lại bao che cho người khác như vậy? Ông nên nhớ ông chỉ nợ tiền bà Huệ (Việt kiều, người cho ông Tài mượn tiền - PV) mà vợ chồng ông lại ký giấy nợ và trả cho Thịnh. Lỡ sau này Thịnh kiện ra tòa để tiếp tục đòi số nợ trên thì sao?”. Lúc này ông Tài mới nói: “Do Thịnh đưa 200 triệu đồng tôi mới không đi giám định thương tật”. Rồi ông yêu cầu bị cáo phải bồi thường 430 triệu đồng tiền tổn thất cho mình.

Do lời khai của ông Tài bất nhất, còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ nên HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm