Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tạm biệt Việt Nam

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói như vậy khi trò chuyện với gần 400 sinh viên, trí thức, doanh nhân TP.HCM  tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ, vào chiều 13-1.

Trước sự chào đón, vỗ tay nồng nhiệt của hàng trăm doanh nhân, trí thức, sinh viên tại hội trường lớn của Trường  ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Ngoại trưởng Jonh Kerry giãi bày: “Không khí trẻ trung trong phòng này biến tóc tôi thành màu nâu trở lại”.

Ngoại trưởng Jonh Kerry cho biết đây là bài phát biểu cuối cùng của ông trên cương vị ngoại trưởng trước khi tạm biệt Việt Nam. Đồng thời ông cũng cảm ơn lãnh đạo nhà trường và đánh giá đây là một cơ hội tuyệt vời để ông đến suy nghĩ về tương lai của quan hệ hợp tác song phương.

Cuộc trò chuyện của Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry thu hút 400 sinh viên, doanh nhân, trí thức tại TP.HCM tham dự. Ảnh: PHONG ĐIỀN.

Ông nhìn nhận cá nhân ông rất hân hạnh khi được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. “Rõ ràng TP.HCM và đất nước Việt Nam này đã thay đổi hẳn” - ông nhận xét.

Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới, ông Kerry cho rằng không có sự thay đổi chính quyền nào ở Mỹ làm thay đổi hoặc xói mòn cam kết của Mỹ với khu vực. “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không phụ thuộc vào cá nhân tổng thống nào hoặc đảng nọ, đảng kia. Mà quan hệ của Hoa Kỳ dựa vào lợi ích chung” - ông Kerry khẳng định.

Ông Kerry đánh giá trong vòng 20 năm qua,  quan hệ  Việt Nam - Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi, cụ thể số người Mỹ sang thăm Việt Nam từ chưa đến 60.000 đến nay đã có nửa triệu người Mỹ sang Việt Nam. Lúc trước quan hệ thương mại song phương chỉ có khoảng 451 triệu USD, hiện tại con số này đã hơn 45 tỉ USD. Số sinh viên Việt Nam học tại Mỹ lúc trước chưa tới 800 thì nay hơn 21.000 sinh viên, học sinh.

Ông nhấn mạnh trong hai thập niên sau chiến tranh, Việt Nam - Hoa Kỳ đã chuyển từ xung đột sang bình thường hóa, theo hướng hợp tác trở thành đối tác. Trong đó có các chương trình hợp tác về giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học, y tế, Internet, công nghệ cao, hợp tác quốc phòng… Về mặt kinh tế, Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho các mặt hàng xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Ông cho rằng hàng triệu người dân Mỹ xem thương mại như là thế lực thay đổi thế giới toàn cầu, đồng nghĩa với công nghệ mới thay thế nhanh chóng. “Theo thống kê có hơn 85% công việc cũ bị mất vì yếu tố công nghệ chứ không phải là thương mại, khi máy móc làm nhiều hơn năng suất tăng và nhu cầu nhân lực chuyển sang lĩnh vực khác. Đó là một trong những chính sách có tính chất bảo hộ sẽ không có hiệu quả. Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã làm ra một cuộc đại suy thoái từ những chính sách sai lầm như thế” - ông nói.

Về sự ra đời của ĐH Fulbright Việt Nam sắp tới, ông khẳng định sẽ tạo ra những doanh nghiệp mới, lĩnh vực kinh tế mới, sáng kiến mới.

Ông chia sẻ tương lai về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)  cho đến bây giờ chính quyền mới của Hoa Kỳ không biết sẽ theo đường nào. Tuy nhiên dù số phận TTP như thế nào thì nó cũng giúp cho Việt Nam tạo ra các sáng kiến và tạo ra các doanh nghiệp mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm