Nghệ sĩ Thanh Tòng với chuyện truyền nghề cảm động

Gần hết những nghệ sĩ diễn cải lương tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng đồng trang lứa hay con cháu đều mặc nhiên xem NSND Thanh Tòng là một sư phụ truyền nghề của mình khi làm việc cùng ông.

Một ánh mắt khiến khối người… run

Ở những nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng đồng trang lứa của NSND Thanh Tòng lẫn hàng con cháu, hiếm có nghệ sĩ nào vừa có khả năng quản lý đoàn hát giỏi, giao tiếp tốt, có uy tín với lãnh đạo và cơ quan quản lý lẫn có khả năng dàn dựng vở diễn đặc sắc, thêm tài ca hay, diễn giỏi như ông.

Nghệ sĩ gạo cội Trường Sơn cho biết nhiều nghệ sĩ lớn bên cải lương hương xa, cải lương xã hội như Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương… đều có những học hỏi, được chỉ vẽ về vũ đạo, cách diễn cải lương tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng khi diễn cùng Thanh Tòng. Tất cả hàng nghệ sĩ ngôi sao từ Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Trinh Trinh, Vũ Luân, Tú Sương… đều đã thọ giáo ít nhiều nghề nghiệp từ ông. Thanh Tòng nổi tiếng là một người thầy nghiêm khắc. Các nghệ sĩ Trường Sơn, Bạch Long, Trinh Trinh bảo rằng họ rất sợ oai ông. Chỉ cần một ánh mắt của Thanh Tòng thôi là ai nấy đều thấy run. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thanh Tòng lại là một người thầy tận tâm và thoải mái với học trò trong nghề nghiệp. Ông không chỉ dạy trực tiếp kiểu bẻ chân bẻ tay hay thị phạm như ép người khác diễn theo mình bao giờ bởi ông quan niệm phải khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo ở mỗi cá nhân nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Quế Trân nhận được nhiều ảnh hưởng ở cha mình - NSND Thanh Tòng (ảnh), từ nhân cách đến tài năng sân khấu.

Nằm bệnh bất động vẫn dạy nghề

Nghệ sĩ Quế Trân kể Thanh Tòng chỉ phân tích nhân vật đó tâm lý ra sao, hoàn cảnh thế nào, gợi ý một vài điều rồi hỏi diễn viên theo họ thì nhân vật này nên diễn như thế nào, hành động gì. Sau khi diễn viên thể hiện nhân vật của mình rồi ông mới góp ý điều nào hay nên giữ, điều nào dở nên bỏ, cái gì cần đắp thêm, diễn sâu hơn như một ông thầy tận tình… Nghệ sĩ Thanh Loan nhớ lại: “Khoảng năm 1980, anh Thanh Tòng bị té xe phải vào bệnh viện nằm một chỗ. Nhưng anh kêu tôi đến chỉ bảo vai diễn Triệu Tử Long trong tuồng Lưu Bị cầu hôn Giang Tả của anh viết và dựng. Không cử động được, nằm trên giường mà ảnh bắt tôi múa hết vũ đạo này đến vũ đạo khác cho ảnh xem. Cái nào được ảnh gật, cái nào không đồng ý thì kêu bỏ, góp ý thêm cái này cái kia. Vậy đó mà vai Triệu Tử Long của tôi thành công rực rỡ, thành vai để đời của mình”.

Bằng sự chỉ giáo và tài nghệ của mình, Thanh Tòng đã tạo nên nhiều vai diễn để đời cho rất nhiều nghệ sĩ như Bao Công của Trường Sơn, Lý Thần phi của Tài Linh, Quách Hòe của Công Minh trong Bích Vân cung kỳ án. Gián điệp Đoàn Hồng Loan, Thượng Dương hoàng hậu… của Thanh Loan có bàn tay nâng đỡ của ông. Kim Đồng, Thánh Gióng, Phạm Cự Trích, Quách Hải Thọ… của Bạch Long cũng do Thanh Tòng dàn dựng. Vai diễn đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang của Quế Trân - con gái ông trong Trắng hoa mai do ông đứng sau lưng.

Vui mừng khôn xiết trong thôi nôi Quế Trân

NSND Thanh Tòng rất cưng cô con gái rượu Quế Trân luôn yểu điệu, nhõng nhẽo. Vậy nhưng Quế Trân lại bảo rằng cha mình nhìn như vậy nhưng không hề chiều cô kiểu muốn gì được nấy mà có những chuyện ông nghiêm khắc với con chẳng khác gì với người ngoài.

Quế Trân kể NSND Thanh Tòng là con đích tôn của nghệ sĩ Minh Tơ nên ông rất mong có con nối nghiệp mình. Thôi nôi con trai đầu, cậu bé bốc cái kiếng, tức theo nghiệp diễn, ông vui mừng vô cùng. Nhưng sau đó đứa bé bỏ cái kiếng, bốc cái búa, ông tức giận quá đá đổ cả mâm cúng. Đến lượt thôi nôi Quế Trân, cô chỉ bốc đúng cái kiếng và cây son, tức là chọn nghề diễn, ông vui mừng khôn xiết. Vậy nhưng hồi nhỏ ông không dạy Quế Trân hát mà cũng chẳng cho con đi hát. Ông thảy Quế Trân sang các cô, cậu, chú, dì để tự học nghề. Ông bắt Quế Trân đi học với lời khuyên nhủ: “Con phải ráng học giỏi để sau này trở thành một nghệ sĩ có tri thức như cô Bạch Tuyết vậy”. Chỉ ngày nghỉ hay lễ tết Quế Trân mới được đi hát.

Bắt con đạp xe cực khổ cho nên người

Quế Trân nói: “Cha tôi cưng các con thì cưng nhưng hai anh em tôi muốn gì là ông bắt chúng tôi phải tự lao động, tự kiếm tiền mua lấy mới có. Nếu không đủ cha mới cho thêm. Hồi nhỏ tôi mê trò chơi điện tử Nintendo nhưng tôi phải tự đi diễn, lấy tiền diễn để mua chứ cha không cho. Anh trai tôi mỗi sáng phải đi học rất xa nhà, từ quận Tân Bình xuống quận 5 mà phải đạp xe đạp, rồi còn phải chở em đi học trường khác xong mới được đến lớp. Vậy nhưng anh Hai xin hoài cái xe máy mà cha tôi nhất quyết không cho, bắt phải đạp xe đạp cho nên người”.

18 tuổi, khi Quế Trân học xong trung học, NSND Thanh Tòng mới chính thức cho con gái theo nghề bằng việc để cô thi giải Trần Hữu Trang và chính thức truyền nghề cho con. Có lẽ vì cách dạy nghề và dạy con nghiêm khắc mà tận tâm như thế nên NSND Thanh Tòng mới trở thành một vị thầy nghề đáng kính trọng trong giới, cũng như là nghệ sĩ hiếm hoi có gia đình hạnh phúc, con cái đều ăn học thành tài, đều thành đạt nên người.

NSƯT Trường Sơn: Bị phang trống vào người mới thành tài

Từ nhỏ, lúc còn trong Đoàn Đồng ấu Minh Tơ với tôi, anh Thanh Tòng đã được cha mình là nghệ sĩ Minh Tơ dạy nghề rất nghiêm khắc. Mỗi lần anh đến trễ hay không thuộc tuồng đều bị cha lấy dùi trống hay đám trống tuồng phang lên sân khấu để sửa trị. Có lúc dàn trống có nhiêu cái anh ôm hết nhiêu cái. Sau này anh thường nhắc với anh em, con cháu rằng chính sự nghiêm khắc của cha anh mới khiến anh thành tài. Vậy nên anh có nghiêm khắc, có la rầy con cháu, đồng nghiệp cũng là anh muốn mọi người thành tài như mình. Mà thật, nhiều người như tôi nhờ sự dìu dắt của anh mà có được những vai diễn đi được vào lòng khán giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm