Ngày 28-9, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thông xe

aNgày 28-9, một đoạn đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gọi tắt là đường Vành đai ngoài) được đưa vào sử dụng. Tuyến đường sẽ mở ra một trục giao thông xuyên tâm mới, góp phần tháo gỡ tình trạng ùn ứ ở khu vực cửa ngõ đông bắc (với nhiều điểm nghẽn như tại ngã tư Bình Triệu, khu vực trước Bến xe Miền Đông, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng…).

Theo thiết kế, đường Vành đai ngoài có tổng chiều dài gần 14 km, bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và kết thúc ở nút giao Linh Xuân (quận Thủ Đức). Trước mắt, TP.HCM sẽ đưa vào khai thác đoạn dài khoảng 5,5 km từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến quá ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức). Chiều 26-9, dù chưa chính thức đưa vào khai thác nhưng nhiều xe máy đã chạy trên đường này.

“Tuyến đường giúp việc đi lại của tôi thoải mái hơn trước rất nhiều. Thay vì hằng ngày phải vất vả vượt qua nhiều điểm nghẽn, giờ tôi có thể đi tắt theo cầu Bình Lợi mới để vào cơ quan, quãng đường rút ngắn đáng kể” - chị Huỳnh Thị Yến (ngụ Thủ Đức, làm việc ở Gò Vấp) cho biết.

Ngày 28-9, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thông xe ảnh 1

Sơ đồ tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Theo Sở GTVT, trên tuyến đường Vành đai ngoài có các cây cầu quan trọng như Bình Lợi, Rạch Lăng, Gò Dưa… Quan trọng nhất là cầu Bình Lợi mới bắc ngang sông Sài Gòn nối quận Thủ Đức với Bình Thạnh, bởi cầu này sẽ dẫn dòng xe từ ngã tư Bình Triệu đi theo lộ trình mới để vào các quận Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận. “Khoảng 40% lượng xe hiện vào nội thành theo quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh sẽ chuyển sang lộ trình mới. Nhờ đó giao thông trên nhiều tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ… sẽ được cải thiện tích cực” - Sở GTVT tính toán.

Chiều 26-9, Sở GTVT cũng có thông báo phân luồng phục vụ thông xe đường vành đai ngoài. Cụ thể, từ ngày 28-9 sẽ tổ chức lưu thông một chiều một số loại xe trên đường số 18 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) theo hướng từ đường vành đai ngoài đến đường Kha Vạn Cân.

Cùng đó, tổ chức lưu thông một chiều các loại xe (cấm ô tô khách và ô tô tải) trên đường số 17 theo hướng từ đường Kha Vạn Cân đến đường Vành đai ngoài. Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết tạm thời việc lưu thông qua ngã tư Bình Triệu vẫn diễn ra bình thường do các tuyến đường nhánh 17, 18 chưa đảm bảo thay thế khi nút giao này bít lại. Về sau, đường Vành đai ngoài kết nối vào đường Kha Vạn Cân thì sẽ bít ngã tư trên.

Do lượng xe dự kiến sẽ khá cao nên nhiều người dân quan ngại về khả năng xảy ra kẹt xe ở một số điểm giao cắt giữa đường Vành đai ngoài với những tuyến đường hiện hữu. “Sắp tới, đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) có thể kẹt hơn nữa vì giao cắt với đường Vành đai ngoài. Khẩn thiết làm cầu vượt tại nút giao thông này” - ông Nguyễn Hữu Dũng (phường 1, quận Gò Vấp) lo lắng. Trả lời điều này, ông Bùi Xuân Cường cho hay những điểm giao cắt giữa đường Vành đai ngoài với một số tuyến đường trước mắt sẽ được điều tiết bằng đèn tín hiệu giao thông. Sau này, Sở GTVT sẽ có những điều chỉnh, tổ chức lại giao thông cho phù hợp.

Trước đây, tuyến đường này được quy hoạch làm tuyến đường vành đai ngoài số 1 của TP. Nhưng do quá trình phát triển đô thị, một phần tuyến đường nằm trong khu vực nội thành nên TP điều chỉnh thành tuyến đường xuyên tâm quan trọng. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD, do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình được khởi công từ tháng 6-2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2012 nhưng trễ hẹn do vướng mặt bằng. Theo ông Bùi Xuân Cường - chủ đầu tư cam kết toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014.

M.PHONG - M.QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm