Ngập tăng, nói giảm: Biết chống cách nào?

“Lãnh đạo UBND TP.HCM đang rất quan tâm là có phải số điểm ngập tăng do mưa vượt tần suất thiết kế cống thoát nước hay không. (Pháp Luật TP.HCMđã đề cập trong tuyến bài “Ngập ở TP.HCM: Chuyện gì đang xảy ra?”). Nếu có thì giải quyết ra sao” - ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, mở lời tại buổi tiếp xúc với các nhà khoa học để tìm giải pháp chống ngập cho TP vào chiều 31-10.

Dự án rất dày, chưa rõ hiệu quả

Về tình trạng ngập của TP, ông Đỗ Tấn Long, đại diện Trung tâm Chống ngập, báo cáo: Có nguyên nhân ngập do mưa vượt tần suất thiết kế. Nghe vậy, kỹ sư Lê Thành Công, Công ty Xây dựng D&C, liền đặt vấn đề: “Tôi thấy công tác chống ngập ở TP đang làm ngược quy trình. Những nghiên cứu cơ bản lẫn chuyên sâu thì rất mỏng trong khi số lượng dự án lại rất dày. Nếu chúng ta thực hiện hàng loạt dự án theo các quy hoạch thoát nước hiện nay, liệu 10 năm, 20 năm nữa có hết ngập?”.

PGS-TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi MeKong, cũng cho rằng TP không nên ôm đồm các vấn đề chống ngập trong cùng một thời điểm. “Hôm nay chúng ta nên tập trung bàn chuyện chống ngập cấp bách. Những nơi nào ngập do chưa có cống thì không nên bàn. Còn nơi nào đã có dự án rồi mà vẫn ngập thì phải xác định nguyên nhân do đâu. Đôi khi chúng ta vội kết luận do mưa vượt tần suất nhưng trên thực tế có thể nguyên nhân ngập là khâu kết nối chưa tốt hoặc do bùn đất, rác rến lấp kín lòng cống không chừng…” - ông Vấn nói.

Công nhân một cơ sở cơ khí ở quận Thủ Đức tát nước mưa sau một đêm ngập. Ảnh: HTD

Với quan điểm trên, ông Vấn đề nghị Trung tâm Chống ngập cung cấp địa chỉ những khu vực ngập vượt tần suất thiết kế để tổ chức kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Chống ngập cho biết hiện chưa có địa chỉ cụ thể, cần phải khảo sát thêm (!?). “Mưa vượt tần suất chỗ nào sao không đo ngay? Chưa có số liệu cụ thể mà kết luận vượt tần suất thì chưa chắc đúng” - PGS-TS Tăng Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lập luận.

TS Vũ Văn Ái, giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM, đề cập thêm: “Như chuyện triều tăng, tại sao Vũng Tàu tăng rất ít còn tại TP.HCM lại tăng rất cao? Nguyên nhân do đâu? Chúng ta hiểu biết chưa rõ ràng mà đề xuất giải pháp chống ngập ngay thì có hiệu quả không?”.

Số liệu chỏi nhau “chan chát”

Để có cái nhìn đầy đủ về tình trạng ngập ở TP, trong nhiều ngày qua chúng tôi đã cố gắng thu thập nhiều số liệu của các đơn vị liên quan. Kết quả nhận được khá bất ngờ, khi số điểm ngập theo báo cáo giữa hai đơn vị chủ chốt là Trung tâm Chống ngập và Sở GTVT TP lại khác biệt nhau.

Trong báo cáo mới nhất (ngày 27-10), Sở GTVT TP cho biết: “Tính đến ngày 19-10, trên địa bàn TP có 107 ngày mưa. Trong đó có 35 ngày mưa ngập 56 điểm (vùng trung tâm 25 điểm, vùng ngoại vi 31 điểm)”. Trong khi đó, Trung tâm Chống ngập lại cho rằng vùng trung tâm TP đã giảm ngập được 48/58 điểm. Đáng lưu ý, theo phân tích của Sở GTVT TP, trong 35 ngày mưa gây ngập 56 điểm thì đỉnh triều luôn nhỏ hơn +1,14 m (quy chuẩn thiết kế là +1,32 m - NV).

“Chỉ tính vùng trung tâm TP, nếu so với báo cáo vào năm 2010 (có 58 điểm ngập) thì số điểm ngập đã tăng lên gấp đôi. Vậy nguyên nhân do đâu? Đây là vấn đề cần phải làm rõ. Ngay cả số liệu điểm ngập mà các bên còn chỏi nhau thì làm sao thống nhất được giải pháp chống ngập cho TP” - một chuyên gia về chống ngập phân tích.

Nhiều chuyên gia tham dự buổi gặp mặt do Sở GTVT TP tổ chức cũng cho rằng Trung tâm Chống ngập hoặc Sở GTVT TP cần cung cấp số liệu một cách chính thức - chính thống về tình hình ngập. Khi đó, họ mới có cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp.

Cần đánh giá hiệu quả dự án chống ngập

Theo số liệu tổng hợp của Sở GTVT, với những trận mưa nhỏ hơn 75 mm thì TP cũng có 34 tuyến đường bị ngập, trong đó có tám tuyến ở trung tâm TP. Sở GTVT đề nghị cần kiểm tra, đánh giá hiệu quả các dự án chống ngập như ở đường 41 (quận 8), tỉnh lộ 43, Gò Dưa, Lê Thị Hoa (quận Thủ Đức). Theo Sở GTVT TP, bốn khu vực này đã có hệ thống cống thoát nước hoàn thiện nên nguyên nhân ngập có thể do miệng thu nước không đảm bảo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy