Chống ngập ở TP.HCM: Chuyện gì đang xảy ra? - Bài 1

Ngập là do… mưa to, cống nhỏ (!?)

LTS: Suốt hai tháng qua, mức độ ngập ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng khiến người dân rất bức xúc. Từ số báo này, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu bức tranh tổng thể về tình hình ngập hiện nay cũng như những câu chuyện còn bất cập của công tác chống ngập.

 “Cống thoát nước được xây theo quy hoạch có tầm nhìn tới năm 2020 nhưng mới đến năm 2014 đã lạc hậu” - Trung tâm Chống ngập TP.HCM giải thích (đại ý) như trên khi nói về nguyên nhân ngập dữ dội trong thời gian gần đây.

Tất cả tại cái cống

Trong văn bản trả lời ý kiến của cử tri quận 1 (vào giữa tháng 10-2014) về hiệu quả chương trình giảm ngập giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Chống ngập TP khẳng định: “Số điểm ngập đầu kỳ năm 2011 là 58 điểm, tới nay đã giảm được 48 điểm. Đã cơ bản giải quyết ngập vùng trung tâm TP”.

Thế nhưng ngay trong câu sau, đơn vị này lại phân trần: Tuy nhiên, việc xuất hiện các cơn mưa lớn đã gây quá tải hệ thống cống hiện hữu có kích thước nhỏ. Điều này cộng với ảnh hưởng từ quá trình thi công các dự án là nguyên nhân gây ngập tại nhiều khu vực. “Những ngày qua có một số trận mưa lớn vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập nước tại một số tuyến đường...” - Trung tâm Chống ngập lý giải.

Sở GTVT TP cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gây ngập là do hệ thống thoát nước lạc hậu, chưa đủ về số lượng. Cụ thể, hệ thống thoát nước cũ được xây dựng trước năm 2001 chỉ có thể đáp ứng mưa nhỏ hơn 40 mm. Còn cống thoát nước từ năm 2001 đến nay được thiết kế cũng chỉ tương ứng với những trận mưa dưới 100 mm.

 
Sau mỗi trận mưa, hàng ngàn người phải chạy tán loạn để tránh những đoạn nước ngập. Ảnh: K.BÁCH

Dự báo chậm hay đổ thừa nhanh?

Về lý do trên, ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời cũng là cố vấn cho Trung tâm Chống ngập), cho biết: Biến đổi khí hậu làm cho mưa tăng gây quá tải hệ thống cống thoát nước là vấn đề đã được đặt ra từ mấy năm trước, không phải câu chuyện mới mẻ gì. “Bản thân tôi cũng từng đề xuất thực hiện nghiên cứu sâu vấn đề này, làm căn cứ để điều chỉnh tiết diện cống lên nhưng mãi không thấy ai quyết định...” - ông Phi bày tỏ.

 Vậy vì sao đã có dự báo lượng mưa tăng nhưng tiết diện cống thoát nước không được điều chỉnh tăng lên để dẫn đến tình trạng quá tải như hiện nay? Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước (Trung tâm Chống ngập), cho rằng do mưa lớn dồn dập chỉ mới xảy ra nhiều trong thời gian gần đây nên chưa có cơ sở khoa học để thực hiện. “Muốn tăng tiết diện cống, UBND TP phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy định về thiết kế. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có luận chứng khoa học chắc chắn về vấn đề này thì làm sao có cơ sở để đề xuất, thay đổi tiết diện cống được” - ông Long nói.

Ngập là do… mưa to, cống nhỏ (!?) ảnh 3

Ngập là do… mưa to, cống nhỏ (!?) ảnh 4

Ngập là do… mưa to, cống nhỏ (!?) ảnh 5
 
Chỉ riêng trong tháng 10 đã có ít nhất bốn trận mưa khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Nặng nhất là đường Tân Hóa, Hồng Bàng, Nguyễn Văn Luông, Hậu Giang, Kinh Dương Vương (quận 6), Tân Hòa Đông (Tân Phú), Phú Thọ (quận 11)… Ảnh: P.Tĩnh - M.Quý

 Một chuyên gia về chống ngập (không nêu tên) cho rằng nếu quả thật do mưa lớn dồn dập và tiết diện cống nhỏ dẫn tới quá tải thì chứng tỏ khâu dự báo kém. Công tác nghiên cứu giải pháp chống ngập cũng quá chậm khiến hàng loạt công trình được đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí. Còn ngược lại, chứng tỏ các đơn vị chống ngập đã vội đổ thừa, đổ hết trách nhiệm cho... mưa to.

 Kỹ sư Vũ Ngọc Luyện, từng tham gia tư vấn thiết kế nhiều công trình chống ngập quan trọng ở TP.HCM, cho rằng không nên vội kết luận mưa vượt tần suất thiết kế là nguyên nhân gây ngập vùng trung tâm hiện nay. “Đơn vị nào khi thiết kế tiết diện cống cũng đều phải tính toán dự phòng khi mưa lớn tăng lên. Do đó, khi chưa thực hiện khảo sát thực tế về tình hình thu gom nước của từng công trình, từng cấp cống (cấp 1, 2, 3) để có kết quả chính xác nhất thì chưa nên vội kết luận như vậy” - ông Luyện phân tích.

   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm