Đã có 49 ổ dịch

Ngăn H7N9 thâm nhập, ngừa H5N1 bùng nổ

Các bộ và địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, lên kế hoạch chi tiết và nghiêm cấm buôn bán sản phẩm gia cầm qua biên giới. Các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng một ngày/lần sau khi kết thúc phiên chợ. Triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm trong toàn quốc từ ngày 22-2 đến 21-3-2014. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai và kịp thời diễn biến dịch, truy cứu trách nhiệm nếu cố tình vi phạm như giấu dịch, ném gia cầm xuống sông…”. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến về dịch cúm gia cầm, chiều 18-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu như trên.

14 tỉnh có dịch cúm gia cầm

Trước đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá: Cúm gia cầm ở Trung Quốc có diễn biến phức tạp với nhiều chủng virus, đặc biệt là cúm A/H7N9. Ở trong nước, cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở cả ba miền và có nguy cơ lây lan nhanh. “Cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất cao. Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới đã có thư gửi riêng cho tôi, cảnh báo virus cúm này có thể sẽ vào Việt Nam” - ông Phát nói.

Lực lượng thú y phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở xã Thạch Đà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN 

“Hiện dịch cúm A/H5N1 trong nước tiếp tục lan rộng. Tôi vừa phê bình Cục Thú y về một số thông tin chưa chính xác và yêu cầu các chi cục thú y địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ… Dịch không chỉ lây trong nước mà còn có dấu hiệu lây lan qua biên giới Tây Nam. Diễn biến dịch trong nước rất phức tạp, các lực lượng chức năng ở biên giới phải quyết tâm thực hiện phòng, chống dịch. Bên cạnh đó ngành thú y cần xác nhận an toàn cho các sản phẩm gia cầm để người dân lựa chọn. Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để nhân dân không bán chạy, không giấu dịch” - ông Phát chỉ đạo.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông thông tin: Đến ngày 18-2, cả nước có 49 ổ dịch tại 14 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Kết quả giám sát lưu hành virus cúm H5N1 cho thấy tại 147 chợ của 44 tỉnh, tỉ lệ vịt dương tính với H5N1 là 6%, tỉ lệ chợ có phát hiện virus là trên 61%.

Ông Đông nhận định trong thời gian tới, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ tại một số địa phương. Bộ NN&PTNT đã cấp 4,5 triệu liều vaccine H5N1 cho các địa phương, dự phòng còn lại là 33,5 triệu liều và dự kiến sẽ trình Chính phủ bổ sung dự phòng thêm 60 triệu liều.

Siết chặt các cửa khẩu, sẵn sàng cho tình huống xấu

Để ứng phó với nguy cơ dịch chồng dịch, các địa phương đã lên kế hoạch phòng, chống.

Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Địa bàn 231 km đường biên giới chưa phát hiện dịch cúm gia cầm nhưng tỉnh đã yêu cầu thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển, buôn bán, biếu tặng gia cầm dưới mọi hình thức. Tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm qua đường chính ngạch.

“Hoạt động buôn lậu chủ yếu thông qua hai bên “cánh gà” cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Bảo Lộc. Do đó tỉnh bố trí các lực lượng chủ yếu tập trung ở đây, lập 24 điểm có lực lượng biên phòng chốt trực thường xuyên, lập hàng rào dây thép gai… Khi phát hiện cúm A/H7N9 trên người, UBND tỉnh lên phương án thiết lập hai khu cách ly gồm 15 giường bệnh ở BV Đồng Đăng và 30-100 giường bệnh ở khoa Truyền nhiễm (BV Đa khoa tỉnh). Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị thêm 11 khu cách ly khác, thiết lập một bệnh viện dã chiến, chuẩn bị xe cứu thương, máy trợ thở, thuốc,…

Còn tại tỉnh Lào Cai, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết tỉnh đã phát hiện và công bố dịch cúm A/H5N1, lập các chốt kiểm soát tại khu vực dịch uy hiếp; xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi phát hiện virus lây sang người, trang bị hai máy soi ở cửa khẩu Lào Cai và khu vực cách ly ở các bệnh viện trong tỉnh.

Một số tỉnh khác như Đắk Lắk, Long An, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa,… đều kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm hóa chất khử trùng và vaccine.

TRÀ PHƯƠNG

 

Kiểm tra dịch tại tỉnh Quảng Ninh

Ngày 18-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với Trung Quốc. Ông Tám yêu cầu tỉnh cần tập trung “đánh” vào các đầu nậu thu gom gia cầm, lấy mẫu phân tích kiểm soát virus H7N9, tăng cường thêm máy đo thân nhiệt ở cửa khẩu Móng Cái. Hiện Quảng Ninh chưa phát hiện virus cúm nhưng nguy cơ virus A/H7N9 xâm nhập rất cao.

Xử lý nghiêm việc vứt xác gia cầm xuống sông

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hai loại dịch H5N1 và H7N9 đều đáng sợ. Trong nước đã có các ca tử vong vì H5N1 nhưng các địa phương chưa quan tâm nhiều đến truyền thông, người dân vẫn sử dụng gia cầm. Nhìn trên bản đồ dịch cúm của Trung Quốc thì khu vực giáp với Quảng Ninh và Lạng Sơn đều có dịch. Trung Quốc đưa ra phương án đóng cửa các chợ gia cầm và khuyến cáo người dân không tiếp xúc với gia cầm nhưng ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện.

“Để phòng, chống dịch thì các trường hợp viêm đường hô hấp cấp đều lấy mẫu để xét nghiệm” - ông Phu nói.

Xử lý 45 điểm buôn bán gia cầm trái phép tại TP.HCM. Hiện vẫn còn 45 điểm kinh doanh gia cầm trái phép trên địa bàn 13 quận, huyện. Do vậy, chủ tịch UBND quận, huyện cần tập trung chỉ đạo và giải quyết dứt điểm 45 điểm nói trên. TP yêu cầu: 16 giờ hằng ngày, 24 quận, huyện phải báo cáo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm TP để kịp thời cập nhật thông tin.

Tây Ninh công bố dịch. Sáng 18-2, huyện Châu Thành (Tây Ninh) công bố dịch cúm gia cầm tại xã Hòa Hội và xã Trí Bình và nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến ra khỏi vùng có dịch.

Long An siết việc kinh doanh gia súc-gia cầm qua biên giới. Tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm và kiểm soát hoạt động kinh doanh trâu, bò trên tuyến biên giới.

Quảng Ngãi: Bốn huyện có cúm. Gồm Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ và Nghĩa Hành đã phát hiện có cúm A/H5N1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm