Ngăn chặn tình trạng ôm đất “vàng” khi cổ phần hóa

Đây là một trong những quy định mới được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (CPH). Đây là dự thảo Nghị định thay thế một loạt Nghị định liên quan đến CPH được Chính phủ ban hành trong giai đoạn 2011-2015.

Công khai mục đích sử dụng đất khi CPH

Tại cuộc họp báo về vấn đề này do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 16-3 ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Tổ trưởng Tổ soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định lần này vừa kế thừa những Nghị định trước đây liên quan đến CPH vừa điều chỉnh bổ sung một số quy định nhằm mang lại sự minh bạch, công khai theo hướng thị trường khi CPH.

Trong đó có một số điểm đáng chú ý như về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH. Đây có thể coi là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình CPH trong thời gian qua. Theo đó, Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh  công bố, DN CPH có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Điều này sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN cho rằng, quy định trên sẽ tránh tình trạng các DN khi CPH không chịu nhả khu đất vàng. Sắp tới đây, các DN CPH xong thì sẽ chuyển qua hình thức thuê đất trả tiền. “Sau 5 năm, Nhà nước sẽ điều chỉnh thuế đất một lần. DN khi CPH có trách nhiệm phải kê khai rõ đất sử dụng ra sao? ở đâu? công khai rõ mục đích sử dụng đất ở từng vị trí. Chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt các phương án đúng quy định. Nếu DN kê khai đúng mà Chủ tịch tỉnh không phê duyệt, làm chậm tiến độ CPH thì người đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí có thể thay luôn vị chủ tịch”- Ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN trả lời báo chí  tại buổi họp báo. Ảnh: Trà Phương 

Ưu đãi bình đẳng khi mua cổ phần

Bên cạnh xác định giá trí đất đai, ông Tiến cũng cho biết, dự thảo mới do Bộ Tài chính soạn thảo cũng đề cập đến chính sách bán cổ phần cho người lao động trong DN CPH, về cơ bản chính sách ưu đãi cho người lao động trong DN đã được kế thừa và duy trì qua các giai đoạn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi CPH công ty mẹ.

Dự thảo Nghị định mới điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm xác định giá trị DN CPH (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ ) được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị một cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá. Nghĩa là người lao động đã được hỗ trợ 40% giá trị cổ phần.

“Bản thân lãnh đạo DN cũng được ưu đãi như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong DN CPH với chính sách mua ưu đãi bình đẳng như nhau dựa trên số năm làm việc. Quy định này cũng nhằm tránh hiện tượng như trước đây người lao động phải đợi kết quả bán cổ phần để tính giá ưu đãi. Có trường hợp sau khi bán cổ phần thì mệnh giá bị đẩy lên cao. Như thế khiến người lao động không được ưu đãi đãi mà lại thành ngược đãi”- Ông Tiến dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm