Nếu còn xảy ra việc nhận hối lộ, Nhật Bản sẽ ngừng cấp vốn ODA

Phó đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp báo ngày 1-4 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi về vụ Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam ở dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, ông Yamamoto Kenichi cho biết đây là lần thứ hai kể từ năm 2008 phát hiện hối lộ ở các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam (trước đó ở dự án Đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước TP.HCM). Nhật Bản sẽ yêu cầu Việt Nam hoàn trả tiền cán bộ nhận hối lộ (khoảng 16 tỉ đồng - NV). “Tôi mong đây là vụ cuối cùng bởi nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật Bản dừng cấp ODA cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ này, cả hai phía đều phải bắt tay vào thực hiện nghiêm túc. Nếu không thì sẽ không còn lối thoát” - ông Yamamoto Kenichi nói.

Phối cảnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên. 

Vậy từ sự việc trên, Nhật Bản có tiếp tục cấp ODA cho dự án tuyến đường sắt đô thị trên không? Ông Yamamoto Kenichi cho rằng người đưa hối lộ có lỗi, phải chịu xử lý chứ dự án không có lỗi. Do đó sau khi bên Việt Nam hoàn trả khoản tiền hối lộ, các chi phí thực hiện dự án sẽ tiếp tục được Nhật Bản cung cấp.

Trong trường hợp tiếp tục cung ứng vốn cho dự án đường sắt này, ông Yamamoto cho biết JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT của Việt Nam để hình thành cơ chế giám sát, được thực hiện ở bên thứ ba độc lập giám sát và đưa ra các đánh giá vào bất cứ lúc nào trong quá trình triển khai dự án. Các dự án tại Việt Nam thường bị chậm trễ, nếu có bên thứ ba độc lập này thì sẽ giảm thiểu được.

Liên quan tới vụ án JTC hối lộ các quan chức đường sắt, Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt, khám xét đối với sáu cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trong đó, ông Trần Quốc Đông (sinh năm 1964), nguyên phó tổng giám đốc, bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm