Nén hương lòng cho người ngã xuống ở Hoàng Sa

Sáng 19-1, UBND huyện Hoàng Sa, Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý kịch bản trưng bày Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ngày này của 42 năm trước!

Mở đầu hội thảo, ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng) nhắc: “Hôm nay là ngày 19-1, một ngày đặc biệt quan trọng mà chúng ta phải ghi nhớ. Đúng vào ngày này 42 năm trước, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của chúng ta. Cuộc họp trong ngày đặc biệt này cũng là một nấc thang trên con đường khẳng định tình cảm của Đà Nẵng đối với chủ quyền Hoàng Sa.”

“Đất nước đã giải phóng hơn 40 năm rồi, non sông đã thu về một mối nhưng riêng TP Đà Nẵng vẫn còn huyện Hoàng Sa bị ngoại bang chiếm đóng. Hoàng Sa bị cưỡng chiếm không có nghĩa là bị mất. Khi chúng ta vẫn còn nhớ thì Hoàng Sa không bao giờ mất” - ông Tiếng xúc động nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho rằng chúng ta hoàn toàn có căn cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa, tuy nhiên cũng cần chứng minh để Trung Quốc hết đường ngụy biện. “Hôm nay đúng 42 năm ngày Hoàng Sa mất. Chúng ta thắp một nén hương lòng hướng về những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa” - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ mở lời. Theo ông Ngữ, chưa bao giờ người Việt nguôi hướng về Hoàng Sa. Bởi đó là một phần máu thịt của Tổ quốc đang chờ ngày đòi lại.

Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) xúc động: “Chúng ta thắp một nén hương lòng hướng về những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa”

Một góc bên trong Nhà trưng bày Hoàng Sa trong bản thiết kế được đưa ra lấy ý kiến sáng 19-1. Ảnh: LÊ PHI

Ngọn lửa Hoàng Sa

Tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý cho việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa. PGS Ngô Văn Minh mong muốn có một “Ngọn lửa Hoàng Sa” trong nhà trưng bày. Đặc biệt cần phải đưa các hình ảnh Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào trưng bày để cho thấy họ cưỡng chiếm trái phép, đi ngược lại Công ước của LHQ về Luật Biển.

“Hãy để tàu ĐNa 90152 đầy bi thương của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Hoàng Sa trước khu vực Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hãy để con tàu trong một hồ nước được thể hiện một cách sinh động nhất như nó đang ra khơi với ngọn cờ Tổ quốc hướng thẳng về Hoàng Sa” - ông Ngữ nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình An (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) góp ý việc trưng bày phải nói lên cho được các địa phương từng được giao quyền quản lý nhà nước và Nhà nước Việt Nam quản lý Hoàng Sa ngay từ đầu. Ông An đề nghị để tâm đến bức ảnh Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân) thắp hương cho Trung tá hải quân VNCH Ngụy Văn Thà khi chỉ huy chiến hạm Nhật Tảo trong trận hải chiến chống lại Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Và trong những người ngã xuống ở Hoàng Sa trong trận hải chiến ngày 19-1-1974 thì có cả cháu của ông Nguyễn Sơn Trà, một đảng viên đầu đàn của đất Đà Nẵng.

Cũng theo ông An, cần phải có cả phần trưng bày thể hiện từng hành động phi pháp của Trung Quốc từ những clip quay lại cảnh họ cưỡng chiếm Hoàng Sa, đến hiện nay họ đang xây dựng sân bay trái phép. “Phải làm để nói rõ âm mưu, tim đen của Trung Quốc. Trưng bày ngắn gọn nhưng phải làm rõ được dã tâm của họ khi cưỡng chiếm Hoàng Sa” - ông An chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng việc các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, hội họa… ngồi lại góp ý kiến để khi thi công xong Nhà trưng bày Hoàng Sa nhằm góp phần khẳng định chủ quyền và đòi lại Hoàng Sa bằng phương pháp
hòa bình.

 

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng) giới thiệu theo thiết kế thì Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ gồm ba tầng với diện tích trên 400 m2, có tổng mức đầu tư 40 tỉ đồng. Hiện có trên 500 hiện vật, tư liệu về Hoàng Sa đang được lưu giữ. Nhà trưng bày sẽ tái dựng không gian cột bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam từ thời Pháp thuộc dựng năm 1938. Ngay giữa trung tâm của khu nhà trưng bày trên bề mặt hồ nước 40 m2, đây cũng là nơi tưởng niệm những nghĩa binh đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ du thám, đo đạc thủy trình Hoàng Sa và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ 17). Tái diễn lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và “Ngọn đuốc Hoàng Sa” với ý nghĩa ngọn lửa Hoàng Sa sẽ luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép từ ngày 19-1-1974.

________________________________________

Nếu được thì nên chuyển từ Nhà trưng bày thành Bảo tàng Hoàng Sa. Bởi hiện tại hoàn toàn hội đủ yếu tố để hình thành một bảo tàng. Phải nhấn mạnh các hình ảnh về người Việt đã từng sinh sống, quản lý, xây dựng trên Hoàng Sa để thể hiện chủ quyền tiếp quản liên tục của mình. Bên cạnh đó, phải nhấn vào hình ảnh, clip về cuộc hải chiến năm 1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa và dũng khí của người Việt khi tham gia cuộc hải chiến để bảo vệ chủ quyền của mình.

VÕ VĂN THẮNG, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm