Nạo vét sông hay chỉ lo hút cát?

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nhân Thiện Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận giao thực hiện dự án nạo vét luồng, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến đường thủy nội địa đoạn Tắc Ông Trung - sông Đồng Kho - Tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, có chiều dài là 16,2 km. Thời gian thực hiện dự án năm năm. Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được tận thu cát xây dựng bán ra thị trường để bù lại chi phí đã bỏ ra để nạo vét. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, doanh nghiệp này chỉ tập trung hút cát…

Chỉ hút cát

9 giờ sáng 28-1, chúng tôi có mặt tại sông Đồng Kho thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An dài 7,4 km là đoạn sông cụt, không có tàu thuyền qua lại. Chúng tôi thấy trên sông có ba phương tiện hút cát đang hoạt động gồm một sà lan, một tàu tự hành và một tàu trung chuyển cát loại lớn. Tiếng máy nổ phát ra từ các phương tiện hút cát rền vang cả một khúc sông. Tuy nhiên, khi vừa thấy người lạ thì ngay lập tức các phương tiện trên ngừng việc hút cát, công nhân thu vòi rồi lái tàu, sà lan bỏ chạy.

Những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông Đồng Kho cho biết các phương tiện hút cát trên là của DN Nhân Thiện Hòa diễn ra gần một tháng nay. Hằng ngày, tàu thăm dò cát, sà lan, tàu trung chuyển cát có mặt trên đoạn sông này để thực hiện việc hút cát. Thường mỗi đợt chỉ có khoảng 4-5 tàu hoạt động nhưng lúc cao điểm có thể lên đến gần 20 tàu, đậu kín cả một khúc sông. Khi các tàu hút cát tại khu vực này thì gây ra hiện tượng sóng đánh mạnh vào bờ sông, các bè cá trên sông bị hư hỏng.

 
Tàu của DN Nhân Thiện Hòa đang hút cát trên sông Đồng Kho. Ảnh: TD

Cũng theo người dân thì DN Nhân Thiện Hòa được cấp phép để thực hiện nạo vét, thông luồng đoạn sông này nhưng thực chất là chỉ hút cát đem bán mà thôi. Bởi hằng ngày họ đưa xáng cạp chạy trên sông kiểm tra vị trí nào có cát thì cho sà lan và tàu tự hành đến hút cát. Còn vị trí nào chỉ có bùn mà không có cát thì không can thiệp. Thậm chí sà lan và tàu tự hành còn cho thọc vòi sâu sát bờ sông để hút cát. Các phương tiện còn thực hiện việc hút cát ngay cả khu vực gần các bè nuôi cá, bè nuôi hàu của người dân. Người dân ngăn cản thì các tàu, sà lan hút cát vào ban đêm.

Mua cát bao nhiêu cũng có (?)

Ngày 2-2, trong vai người đi mua cát, chúng tôi đã đến bãi tập kết cát của DN Nhân Thiện Hòa ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch để mua cát về thi công. Tuấn là nhân viên quản lý bãi cát cho số điện thoại bà Loan (vợ chủ DN Nhân Thiện Hòa - PV) dặn: “Anh muốn mua bao nhiêu cứ gọi cho bà chủ, bà chủ sẽ hướng dẫn anh đến bãi cát ở xã Phước An”.

Chúng tôi liên hệ bà Loan hỏi mua cát. Bà Loan cho biết chỉ bán cát bê tông, không bán cát san lấp, giá bán hơi cao là 160.000 đồng/khối. Chúng tôi nói cần nhiều cát để thi công trong khu công nghiệp không biết DN Nhân Thiện Hòa có cung cấp đủ không, bà Loan trả lời: “Bên đó lấy cụ thể bao nhiêu để nhập cát vào. Chứ tôi lấy ở mỏ Phước An ngày lấy mấy ngàn khối cũng được. Tuy nhiên, anh lấy nhiều thì phải qua tết chứ hiện giờ thợ hút cát nghỉ về quê ăn tết rồi, hiện ở ngoài sông chỉ còn làm lai rai thôi. Nếu anh lấy một ngày vài ngàn khối thì phải ra sông chứ ở trong bờ không đủ số lượng. Anh cứ đem sà lan xuống sông Phước An, muốn mua một ngày mấy ngàn khối cũng có hết, còn trong bờ thì không có. Tôi có mỏ ở sông Phước An đó, được cấp phép khai thác sáu năm, dài mấy chục cây số lận. Cát sạch lắm”.

Vi phạm

Theo quy định, trước khi thi công nạo vét thì DN Nhân Thiện Hòa phải lắp đặt đầy đủ phao tiêu, biển báo theo hồ sơ phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trình Sở GTVT ít nhất năm ngày. Đơn vị thi công phải báo cáo Sở GTVT thời gian ban đầu thi công, đồng thời với các báo, đài, địa phương thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết. Đơn vị thi công có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp bảo vệ công trình giao thông và các công trình hạ tầng hiện hữu khác trong phạm vi công trường; có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đền bù hoa màu nếu có trong phạm vi thi công.

Tuy nhiên, ông Võ Thành Long, cán bộ địa chính xã Phước An, cho biết: “Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì khi nạo vét, tận thu thì phải báo cho dân để không làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, muốn khai thác đều phải đặt phao để đảm bảo an toàn. Nhưng khi khai thác phía họ không báo cho dân cũng không đặt phao là sai nên chúng tôi báo cáo lên huyện giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Trong khi đó, ông Phan Công Bình, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Nhơn Trạch, cho biết: Đoạn sông Đồng Kho phải nạo vét cải tạo dài 7,4 km không có tàu thuyền lớn qua lại. Hầu hết lưu thông trên đoạn sông này chủ yếu là bè cá, ghe thuyền của người dân. Đoạn cuối sông sắp hình thành chợ nổi phục vụ cho du lịch… “Nhận được đơn khiếu nại của người dân, chúng tôi đã tiến hành xuống hiện trường kiểm tra. Ngày 24-12-2014, đi kiểm tra thì thấy có tàu nhưng không hút cát. Chúng tôi đề nghị DN tạm ngừng khai thác cát chờ thỏa thuận với dân. Sau đó Nhân Thiện Hòa xuất trình năm bản cam kết của năm hộ đóng đáy nuôi thủy sản trên sông nhận tiền bồi thường từ 10 triệu đến 20 triệu đồng…” - ông Bình nói.

Dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm tuyến đường thủy nội địa quốc gia đoạn Tắc Ông Trung - sông Đồng Kho - Tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc trước đây được Bộ GTVT cấp phép cho DNTN Nhân Thiện Hòa thực hiện. Lý do đoạn sông do Bộ GTVT quản lý và cấp phép thực hiện dự án. Sau đó Bộ GTVT đồng ý chuyển tuyến đường thủy nội địa quốc gia thành đường thủy nội địa địa phương và giao UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, bảo trì. Hiện nay, dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm tuyến đường thủy nội địa đoạn Tắc Ông Trung - sông Đồng Kho - Tắc Nha Phương - rạch Ông Trúc là do tỉnh Đồng Nai cấp phép cho DN Nhân Thiện Hòa.

Ông TỪ NAM THÀNH, Trưởng phòng Thẩm định
của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm