Năm 2030: Người Hà Nội thu nhập hơn 900 USD/tháng

Thu nhập tăng

Theo quy hoạch tổng thể, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có dân số khoảng 9,4 triệu người. Trong đó, người dân sống tại đô thị là hơn 6,3 triệu người, ở nông thôn gần 3,1 triệu người. Hà Nội lúc đó là đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 cụm đô thị vệ tinh. Dự báo, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 đạt 10%/năm.

Con số này sẽ giảm xuống còn 9% trong giai đoạn 2016-2020 và 8% trong những năm 2021 - 2030. Đáng chú ý, tới năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ tăng lên mức 3.300 USD. Đến 2020, chỉ số này đạt 5.300 USD và đến 2030, mức thu nhập sẽ khoảng 11.000 USD/đầu người, tức hơn 900 USD/tháng.

Năm 2030: Người Hà Nội thu nhập hơn 900 USD/tháng ảnh 1

Năm 2010: Thu nhập của người Hà Nội đạt gần 2.000 USD

Nhiều chỉ tiêu chính khác như xuất khẩu, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch... cũng tăng đều qua mỗi năm. Vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô sẽ đạt 54-55%. Trong khi ghi nhận thực tế cho thấy, tăng trưởng GDP của thành phố trong 5 năm gần đây đạt khoảng 10,2%. Ước tính năm 2010, GDP trên đầu người của Hà Nội đạt xấp xỉ 2.000 USD.

Tại hội nghị, một số quận, huyện đề nghị xem xét lại vị trí của sông Hồng trong định hướng phát triển thành phố. Đại diện huyện Gia Lâm cho rằng, quy hoạch mới nói ưu tiên phát triển hướng Bắc, hướng Tây mà “quên” hướng Đông. Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh khẳng định: “Thủ đô bất kỳ nước nào trên thế giới muốn đẹp phải có dòng sông. Ở Hà Nội, đó phải là sông Hồng. Thế nhưng, phát triển đôi bờ sông Hồng thế nào còn quá mờ nhạt trong quy hoạch...”.

Phân tích tình hình hiện tại để hướng tới tầm nhìn 2030, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, ông Triệu Đình Phúc phát biểu: “Nhìn vào Hà Nội hiện nay chưa có điểm nhấn. Tính bền vững của phát triển hiện còn hạn chế. Thành phố hiện chưa có tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế. Thu hút đầu tư cũng mới chú trọng số lượng chứ chưa hướng tới chất lượng.

Vẫn còn một số khu vực hoang hóa do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính...”. Ông Trần Văn Thanh - Bí thư Quận ủy Long Biên góp ý kiến: “GDP chậm lại theo thời gian là hợp lý. Song khâu đột phá ở đây không thể kéo dài tới 40 năm. Chẳng hạn, trong 10-20 năm tới, nên chọn đột phá vào phát triển hạ tầng. Bởi cứ nói xây dựng 5 đô thị vệ tinh nhưng không cẩn thận 20 năm nữa cũng chưa đưa vào sử dụng được...”.

Khoa học, khả thi?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đặt vấn đề: “Phải làm rõ tính đồng bộ, gắn kết thống nhất giữa chiến lược phát triển với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.” Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các chỉ tiêu, căn cứ khoa học đã thực sự hợp lý và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển và hội nhập hay chưa?  Việc phân tích, đánh giá và dự báo khả năng huy động và phát huy các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực về kinh tế, xã hội, văn hoá cho mục tiêu phát triển và hội nhập của thành phố đã thực sự khoa học và khả thi chưa?

Tính khả thi của nhóm giải pháp thu hút nguồn lực nhận được sự quan tâm của nhiều quận, huyện. Nhiều ý kiến bình luận các giải pháp đề ra trong quy hoạch tổng thể còn chưa rõ, sẽ khó tạo ra động lực mới phát triển thành phố. Phó Chủ tịch MTTQ TP, ông Bùi Xuân Hộ bình luận: “Đất đai là nguồn lực quan trọng nhất của thành phố. Đấu giá bán đất chỉ là tình thế, mãi rồi cũng hết. Quy hoạch phải làm rõ cơ cấu sử dụng đất. Phần nào cho đô thị, bao nhiêu cho nông nghiệp, công nghiệp... để tránh cách làm manh mún, rải mành mành như hiện nay...”.

Cũng theo ông Bùi Xuân Hộ, về nhân lực, Hà Nội có hàm lượng chất xám cao nhưng không tận dụng được. Phó Chủ tịch MTTQ TP nói: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, tính toán rõ xem cần bỏ bao nhiêu tiền để đào tạo được nhân lực tốt chứ cứ bố trí cán bộ kiểu “chéo giò”, chắp vá như hiện nay sẽ khó lòng phát triển... Ngoài ra, phải xem lại cơ chế thu hút người tài, bổ sung vào bộ máy quản lý bởi hiện nay sức ỳ đang khá lớn, người tài “chạy” đi nơi khác hết...”.

Theo Chính Trung (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm