Năm 2018: Phải đảm bảo kỷ luật, kỷ cương!

Sáng 8-2, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để triển khai nhiệm vụ năm 2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Về kết quả công tác năm 2017, Ban chỉ đạo đánh giá trong nhận thức và hành động của chính quyền các cấp đã có chuyển biến tích cực, góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa giấy tờ công dân đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần thúc đẩy tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân...

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng thừa nhận CCHC còn một số tồn tại. “TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm như đất đai, xây dựng, lao động-thương binh và xã hội…” - báo cáo dẫn chứng.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐỨC MINH

“Không cải cách thì ngành mình chết trước”

“Nếu không cải cách thì ngành mình sẽ chết trước. Trước đây thường xuyên làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, nhiều anh em phải xin ra khỏi ngành vì không chịu được áp lực công việc” - bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chia sẻ tại cuộc họp.

Bà Minh cho biết bản thân bà cũng ngỡ ngàng về những kết quả mà ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại. Hệ thống BHXH đã sẵn sàng nếu tất cả đơn vị có nhu cầu giao dịch cấp độ 4 (cho phép thanh toán lệ phí trực tuyến; việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Ngoài ra, năm 2017, nhờ kết nối liên thông dữ liệu với 13.000 cơ sở khám chữa bệnh mà chi phí khám chữa bệnh đã giảm 4.800 tỉ đồng. “Hy vọng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm được nữa vì hiện nay đã giảm nhưng chưa triệt để” - bà Minh nói.

Theo bà Minh, ứng dụng CNTT và CCHC góp phần rất nhiều trong việc minh bạch giải quyết công việc khiến người dân và doanh nghiệp hài lòng. “Các bộ, ngành phải có giao dịch điện tử thì mới gọi là chính phủ điện tử. Bây giờ chưa giao dịch điện tử nên ngay công văn đi-đến hay quá trình giải quyết cũng chỉ minh bạch được ở một số bộ... Nhiều nơi, thực sự chúng tôi cảm thấy rất cực nếu mình ở vai đi gõ cửa, dù cùng hệ thống các cơ quan với nhau. Giải quyết các công việc rất dài, không rõ lý do vì sao được hay không được” - bà Minh cho hay.

Hiện đại mà cán bộ không tốt cũng khó...

Bà Minh đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, trước mắt giải quyết minh bạch công văn đến, công văn đi. “Văn phòng Chính phủ rất gương mẫu trong việc này, công văn đến-đi rất minh bạch, đọng ở đâu, bao nhiêu thời gian rất rõ” - bà Minh nói. Cạnh đó, cần tiếp tục rà soát để cải cách thể chế, cố gắng quy định một công việc thì chỉ một bộ, một cơ quan chịu trách nhiệm chính. “Chỉ xin ý kiến khi có liên quan chứ hiện nay xin ý kiến rất nhiều. Mỗi một bộ, ngành nếu các đồng chí lãnh đạo đi vắng thì có khi tới hai tuần, cộng lại có việc phải xin ý kiến 8-9 bộ, ngành thì một văn bản luân chuyển rất vất vả” - vẫn lời bà Minh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng hiện đại đến đâu thì hiện đại nhưng đội ngũ cán bộ không tốt thì cũng khó mà làm được. “Chúng tôi có chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện văn minh công sở. Năm qua, Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý đến 41 cán bộ, công chức, từ cảnh cáo cho đến buộc thôi việc, sa thải, cắt lương, cắt danh hiệu thi đua…” - ông Hậu nói.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng, cũng cho biết TP này thành lập nhiều đoàn công tác đi kiểm tra công vụ đột xuất. Khi tham gia đoàn kiểm tra này, tất cả thành viên không được dùng điện thoại, không liên lạc trước để tránh tình trạng nhờ vả và việc này đã có hiệu quả, giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, thái độ phục vụ người dân tốt lên.

Phải thực sự là công bộc của dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị năm 2018 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt chín nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống công quyền, để cán bộ thực sự là công bộc của dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn với tinh giản biên chế. Cạnh đó, cần tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó cần tăng cường cải cách TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng CNTT, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, BHXH, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch... Đồng thời phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Các bộ, ngành, người đứng đầu phải lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính...

TP.HCM tiết kiệm cả trăm tỉ đồng

Năm 2017 TP.HCM đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 có 616 dịch vụ, cấp độ 4 có 69 dịch vụ. Một số cơ chế thí điểm đã được TP thực hiện, ví dụ cấp phép xây dựng theo thẩm quyền của Sở Xây dựng rút ngắn từ 142 ngày xuống còn 42 ngày; thông tin quy hoạch 1/2000 trên smartphone để tất cả người dân, doanh nghiệp biết; thực hiện thí điểm quy trình dịch vụ công trực tuyến cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở quận 7, rút ngắn thời gian xuống còn ba ngày.

TP cũng thực hiện cắt giảm 18 TTHC. Thực hiện một số hoạt động tiết kiệm cho ngân sách như áp dụng gửi thư mời và các văn bản thông qua hình thức email trực tuyến, riêng văn phòng UBND TP năm 2017 tiết kiệm được 53 tỉ đồng, 24 quận/huyện sơ bộ đánh giá tiết kiệm được khoảng 50 tỉ đồng (chưa kể các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp)...

Ông TRẦN VĨNH TUYẾNPhó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm