Mướt mồ hôi qua cầu Đồng Nai!

“Mỗi lần có việc đi Phan Thiết, Nha Trang hoặc Vũng Tàu, tôi ớn nhất cái cảnh kẹt cứng ở quanh cầu Đồng Nai. Gần đây, tình trạng kẹt xe ở khu vực này diễn ra từ sáng đến chiều, thậm chí kéo dài đến tận khuya” - ông Phan Duy Lâm (quận 8, TP.HCM) ngao ngán.

Vừa chạy vừa… khấn

Ông Lâm cho hay: Trên đường đi Vũng Tàu ngày 10-8, cả nhà ông bị “chết gí” trên cầu Đồng Nai cũ. Cây cầu chỉ dài vài trăm mét nhưng để đi từ đầu này đến đầu kia phải mất hơn 1 giờ. “Do chạy ô tô số sàn nên tôi cứ phải rà côn, đạp thắng khiến đôi chân mỏi rũ” - ông Lâm bày tỏ.

Tương tự, nhiều người dân tỏ ra rất ngán ngẩm mỗi khi phải đi vào vòng xoay Vũng Tàu (Biên Hòa, Đồng Nai) và cầu Đồng Nai. Trước đây, khu vực này chỉ xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, còn bây giờ thì có thể kẹt xe bất cứ lúc nào. “Do công việc, tôi phải thường xuyên đi qua khu vực này. Có hôm giữa trưa tôi cũng bị kẹt trên cầu Đồng Nai cũ gần 30 phút. Thậm chí có lần về ngang đây lúc 22 giờ mà vẫn không thoát” - ông Nguyễn Đình Cương (quận Thủ Đức, TP.HCM) bức xúc.

Mướt mồ hôi qua cầu Đồng Nai! ảnh 1

Kẹt xe ở khu vực cầu Đồng Nai đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhất là khi “chôn chân” trên cầu Đồng Nai cũ. Ảnh: MP

Một người chạy xe ôm ở khu vực ngã ba Vũng Tàu cho biết thêm, gần đây tình trạng kẹt xe thường xảy ra trong phạm vi rộng. Trên quốc lộ 51 hướng về vòng xoay, rồi các đường Bùi Văn Hòa ở khu công nghiệp về hướng Phan Thiết, các đường song hành, đường nội bộ của các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 đều đông kịt xe.

“Tứ bề xe kẹt như nêm, phải nhích từng tí một. Nhưng ghê nhất là khi đi qua cây cầu Đồng Nai cũ. Tôi từng bị “chôn chân” trên cầu này gần cả tiếng và cảm nhận rõ cây cầu cũ bị rung lắc rất mạnh khi đoàn xe lăn bánh. Những lúc như thế tôi chỉ biết cầu nguyện cho cầu đừng sập” - tài xế Nguyễn Chí Hiếu, chạy xe khách tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, nói.

Mờ mịt ngày gỡ nút thắt

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực vòng xoay Vũng Tàu đang được đào đường để lắp ống thoát nước, đồng thời nút giao Tân Vạn cũng đang thi công. Trong khi đường dẫn lên cầu Đồng Nai chưa được mở rộng thì việc đào đường thi công càng khiến “nút thắt cổ chai” bị siết chặt hơn. Lượng xe cứ dồn về nút thắt này càng lúc càng nhiều dẫn đến ùn ứ lan rộng cho cả khu vực.

Được biết dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh hai đầu cầu (từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh Biên Hòa) được khởi công từ giữa năm 2008 theo hình thức BOT. Theo đó, ngoài việc xây cầu mới sẽ có một nút giao thông khác mức ở ngã tư Vũng Tàu; bên kia là nút giao Tân Vạn (cầu vượt và đường gom dưới cầu). Ngoài ra, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC, thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1) cũng sửa chữa cầu Đồng Nai cũ.

Theo kế hoạch ban đầu, đến cuối năm 2012 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành nhưng đến nay chỉ mỗi cầu Đồng Nai mới thông xe (vào cuối năm 2009). Riêng các hạng mục cầu vượt - nút giao Tân Vạn, hầm chui - nút giao tại ngã tư Vũng Tàu vẫn giẫm chân tại chỗ. Chính việc thi công chậm trễ, thiếu biện pháp đảm bảo an toàn giao thông là nguyên nhân gây ra nỗi ám ảnh về kẹt xe ở khu vực trên.

Về vấn đề này, DNC lý giải ngắn gọn: Một trong những nguyên nhân làm chậm trễ tiến độ dự án là do vướng mặt bằng. Công ty sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào giữa năm 2014!

Còn kẹt xe dài dài

- Cầu mới Hóa An bắc qua sông Đồng Nai dự kiến đầu năm 2014 đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn còn rất ngổn ngang. Cây cầu này (dài 1,3 km, tổng vốn đầu tư trên 1.170 tỉ đồng) là dự án trọng điểm, góp phần chia sẻ áp lực giao thông với cầu Đồng Nai. Chủ đầu tư cho biết sẽ cố gắng hoàn thành công trình vào cuối năm 2014.

- Trong khi đó, tiến độ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang làm nhiều người ngán ngẩm. Tuyến cao tốc này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần đáng kể trong việc tháo gỡ kẹt xe cho khu vực Suối Tiên, cầu Đồng Nai… Nhưng hiện dự án đang bị vướng mặt bằng. Riêng phần đường dẫn của dự án trên địa bàn TP.HCM được đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2014.

Đường nào né được cầu Đồng Nai?

Theo giới tài xế, gần đây nhiều người chọn cách “lách” sang quốc lộ 1K xuyên qua quốc lộ 15 ở khu vực TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên, do lượng xe đổ dồn quá đông nên khu vực cầu Hóa An thỉnh thoảng cũng bị kẹt xe nghiêm trọng.

Một cung đường cũng được giới tài xế chọn là đi qua phà An Hảo (Biên Hòa, Đồng Nai). Lộ trình này sẽ né được kẹt xe nhưng phí qua phà lên đến 40.000 đồng/lượt ô tô con, rồi phải trả thêm phí trên quốc lộ 1K.

Cầu Đồng Nai có thể sập bất cứ lúc nào

Ngay từ năm 2007, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo: Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra liên tục, kéo dài chính là nguyên nhân đe dọa nghiêm trọng đến tuổi thọ của cây cầu. Hiện tượng kẹt xe trên mặt và ở hai đầu cầu hiện đã nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông. Độ rung lắc của cầu Đồng Nai ngày càng lớn.

Theo tôi, cung đường qua cầu Đồng Nai hiện chưa có thuốc chữa bệnh kẹt xe. Muốn đi Vũng Tàu thì phải đi sớm vì trễ thì kẹt đường (cầu Đồng Nai, ngã ba Vũng Tàu, cầu Hóa An) hoặc kẹt phà (Cát Lái). Cho nên có né sang quốc lộ 1K hay đi phà Cát Lái thì cũng hên xui thôi.

Ông NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG (quận Thủ Đức, TP.HCM)

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm