Muốn quản lý báo chí phải hiểu báo chí

Đó là vấn đề được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đặt ra tại buổi tọa đàm “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức sáng 24-10.

Tâm không trong sáng, dễ sa ngã

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng đội ngũ PV, biên tập viên hiện nay đang phải đối mặt với “guồng hút”, “sự cám dỗ” của một số chiêu trò. Nếu người làm báo tâm không trong sáng và bản lĩnh thiếu kiên định sẽ dễ sa vào tình trạng nhận thức thiếu đúng đắn và xác định sai hướng đi, dẫn đến sai lầm và lệch lạc trong hoạt động nghề nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Đức Liên, Trưởng Cơ quan đại diện báo VietNamNet tại TP.HCM, dẫn lại hai vụ việc nhà báo tống tiền doanh nghiệp (DN) xảy ra ở Cần Thơ và Đắk Lắk vừa qua, đồng thời nêu việc gần đây trên mạng xã hội và trong dư luận đã từng râm ran thông tin một số PV phụ trách mảng kinh doanh bất động sản bắt tay với vài DN để làm ăn riêng và trục lợi cá nhân.

“Thực tế, ở một vài cơ quan báo chí có hiện tượng một số ít PV viết về kinh tế giàu lên rất nhanh. Số ít PV này có “kỹ năng” làm giàu bằng nghề báo thông qua việc thỏa thuận ngầm, đứng ra bảo kê cho các DN địa ốc hoặc khai thác thông tin bất lợi từ DN để “có lợi ích cho bản thân”” - ông Liên nói và đặt câu hỏi: Nếu họ không phải là PV, nhà báo, không làm việc cho một số tờ báo lớn, có uy tín, liệu họ có nhận được sự ưu ái từ phía các DN kinh doanh địa ốc này hay không?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang trao đổi với bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP, bên lề tọa đàm. Ảnh: TL

“Tôi vẫn rất tin đội ngũ chúng ta”

Các ý kiến khác tại buổi tọa đàm cho rằng nguyên nhân gốc rễ của sự vi phạm đạo đức báo chí bắt nguồn từ giáo dục và một phần do chưa đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người làm báo.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đề nghị các cơ quan quản lý, định hướng báo chí kiến nghị về cơ chế, chính sách để báo chí đảm bảo hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích trong điều kiện tự chủ tài chính, đảm bảo đời sống của người làm báo một cách chính đáng và hợp pháp. “Tôi vẫn rất tin đội ngũ của chúng ta. Mặc dù đời sống anh em còn khó khăn nhưng không dễ bẻ cong ngòi bút. Nhưng ngược lại, cũng phải có cơ chế, chính sách để báo chí cạnh tranh được trong môi trường mạng xã hội phát triển như vũ bão hiện nay” - ông Cang nói.

Theo ông Cang, mỗi PV phải tự trang bị kiến thức và kỹ năng nền nhưng cũng phải được bổ sung và phù hợp với tình hình. “Nền tảng cơ bản vẫn là lý luận chính trị. Muốn đi đường dài, muốn một tờ báo phát triển vững chắc thì phải dành một vài năm để đào tạo nền tảng lý luận chính trị cơ bản cho đội ngũ của mình” - ông Cang nói.

Ông Cang cũng cho rằng cơ quan chủ quản, tổng biên tập “muốn nói được PV thì phải đủ năng lực, trình độ, am hiểu báo chí, hiểu được đạo đức của người làm báo, trách nhiệm xã hội của báo chí, nắm vững tôn chỉ mục đích, không chỉ nói suông mà còn phải cụ thể hóa được trong tờ báo của mình. Trách nhiệm của tổng biên tập, ban biên tập là cực kỳ lớn. Từ đây, PV được sự định hướng, dìu dắt, phát huy”.

“Để làm một PV có kỹ năng, kiến thức là đúng. Nhưng không có đạo đức thì PV không thể trở th ành cây bút lớn, không thể trở thành cây bút sắc và không thể trở thành cây bút sáng được” - ông Cang đúc kết.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư cho rằng để nâng cao vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần xây dựng các quy định cụ thể kiểm soát hoạt động của cơ quan báo chí mình phụ trách. Cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với đội ngũ người làm báo, bà Thư nhấn mạnh đến việc chú trọng hơn nữa trong giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Bà Thư cũng dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo và cho rằng khi đã lựa chọn nghề báo thì phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phải nhận thức về trách nhiệm xã hội, về sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng và chấp hành pháp luật luôn phải được đặt lên hàng đầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm