Mưa vượt ‘tầm nhìn’, chống ngập ra sao?

“May mà chiều qua, triều cường không dâng cao. Nếu mưa lớn trùng với triều cường thì tình trạng ngập úng ở TP.HCM sẽ kéo dài lâu hơn, dân tình sẽ khốn đốn hơn” - ông Hồ Long Phi, chuyên gia chống ngập, đã bày tỏ khi nói về trận mưa lịch sử chiều 26-9.

Đường mới nâng cấp cũng ngập

Ông Lê Đình Quyết, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết thêm trận mưa chiều tối qua ở TP có vũ lượng lớn kỷ lục từ năm 1975 đến nay.

Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết chỉ trong thời gian khoảng một giờ 30 phút, vũ lượng đã đạt đến 179,6 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Sau trận mưa trên, TP có 59 tuyến đường bị ngập, chiều sâu ngập 0,10-0,50 m, diện tích ngập 100-30.000 m2.

Điều đáng lo ngại, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cơn mưa chiều qua nhiều tuyến đường mới được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập. Cụ thể như đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); Trường Sơn (Tân Bình); song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), Tô Ngọc Vân (Thủ Đức)...

Những khu vực có cốt nền cao như quận Gò Vấp, quận Thủ Đức, tình trạng ngập úng cũng xảy ra. Trong thời gian mưa lớn gây ngập đường ở hai địa bàn này thì mực nước ở kênh rạch rất thấp. Điều này chứng tỏ lượng nước mưa thoát ra khỏi hệ thống cống ở nội ô rất chậm.

Nước ngập bủa vây TP.HCM trong cơn mưa chiều tối 26-9. Ảnh: TIÊN TÂN

Dồn sức… ngăn triều (!?)

Lý giải về tình trạng ngập mưa dữ dội nói trên, Trung tâm Chống ngập TP cho rằng nguyên nhân chính là do mưa vượt xa tần suất thiết kế. Cụ thể, theo Quyết định 752 của Thủ tướng (Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020) đối với tuyến cống cấp 2, vũ lượng mưa đạt trong một giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là 137,70 mm. Trong khi đó, trận mưa chiều qua, vũ lượng mưa có nơi lên đến hơn 179,6 mm.

Ngoài ra, tình trạng xả rác, lấn chiếm kênh rạch… cũng được Trung tâm Chống ngập TP xác định là nguyên nhân góp phần gây ngập nặng. Bên cạnh đó, nhiều dự án chống ngập đã triển khai nhưng chậm tiến độ do vướng thủ tục như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo rạch Ông Búp, kênh Liên Xã…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Hồ Long Phi cho rằng việc mưa vượt tần suất thiết kế là chuyện đã được cảnh báo từ lâu nhưng vấn đề nằm ở chỗ bao giờ thì sửa được quy chuẩn thiết kế, tăng tiết diện cống thoát nước lên cao để chống ngập. Ngoài ra nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề khá nan giải. “Nếu tăng tiết diện cống lên gấp đôi thì kinh phí đầu tư cũng tăng đáng kể. Do đó, việc huy động, bố trí nguồn vốn cũng phải tính toán thật hợp lý” - ông Phi nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia chống ngập (xin không nêu tên) cho rằng lãnh đạo TP.HCM cần phải xem lại việc bố trí nguồn vốn chống ngập cho thật hợp lý, tránh tình trạng cái cần ưu tiên thực hiện trước thì lại thực hiện sau.

Ông này dẫn chứng: “Hiện nay TP đang dồn sức thực hiện dự án ngăn triều với tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tình trạng ngập mưa mới là vấn đề gây bức xúc, cần ưu tiên giải quyết trước. Theo tôi, vấn đề chống ngập ở TP.HCM không nằm ở giải pháp kỹ thuật mà là cách điều phối thực hiện các dự án sao cho hợp lý”.

Tăng không gian trữ nước

Sở TN&MT vừa trình UBND TP.HCM các giải pháp tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, trong đó có tính đến kế hoạch sẽ tăng diện tích không gian trữ nước để hạn chế ngập.

Theo đó, đối với nhóm giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Sở đề xuất những nơi địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5 m) cần xây dựng đô thị với mật độ thấp. Tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lụt đô thị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tại các khu đô thị mới, buộc các nhà đầu tư phải xây dựng hồ điều tiết nước, tập trung phát triển nhiều mảng xanh lớn tại những vùng đất thấp và tận dụng tối đa những phần đất trống để tạo mảng xanh đô thị.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP.HCM:

Việc quản lý công trình thoát nước có vấn đề

Chiều 26-9, tan họp ở trụ sở UBND TP, bước ra tôi đã thấy được tình trạng ngập của TP rồi. Tôi rất chia sẻ với người dân trong cơn mưa vừa qua phải gánh chịu cảnh ngập nặng như vậy. Các dự án chống ngập thì đã và đang triển khai. TP đang rất nỗ lực để chống ngập nhưng thực tế có những việc không thể giải quyết nhanh được.

Vừa rồi, Thường trực UBND TP đi khảo sát thực tế ở các quận thì thấy nước ngập ở TP mình nặng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân mưa, có nguyên nhân do triều cường, cũng có nguyên nhân do quản lý.

Việc quản lý các công trình thoát nước của TP cũng còn có vấn đề. Sau các cuộc khảo sát thực tế của Thường trực UBND TP, thời gian tới đây UBND TP sẽ có cuộc họp để có những giải pháp thật sự quyết liệt để chống ngập.

Kinh nghiệm rút ra trong việc chống ngập thời gian vừa qua là phải có sự đồng bộ trong các giải pháp. Hôm rồi, tôi đi kiểm tra dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Cùng với dự án này đang triển khai thì TP cũng dự kiến triển khai những dự án khác. Như vậy, sự phối hợp phải đồng bộ về mặt hạ tầng, chứ không riêng gì việc chống ngập...

TÁ LÂM ghi

Ứng cứu những nơi ngập nặng

Trung tâm Chống ngập TP cho biết đơn vị đã kết hợp với nhiều đơn vị triển khai phương án ứng cứu đối với những vị trí có khả năng bị ngập nặng. Việc tổ chức ứng cứu phải đạt được mục tiêu như giảm nhẹ đến mức thấp nhất mức độ ngập; không để xảy ra thiệt hại đối với an toàn, sức khỏe, tài sản của người dân; cảnh giới, hỗ trợ, phân luồng giao thông một cách hợp lý để người dân lưu thông thuận tiện.

T.THANH

Biên Hòa: Một người chết vì nước cuốn

Ngày 27-9, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể anh Vũ Văn Thuyên (28 tuổi, ngụ Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai - người bị nước cuốn trôi trong cơn mưa ngày 26-9) cho gia đình để tiến hành an táng.

Rạng sáng cùng ngày, khi nước rút, người dân mới phát hiện xe máy dưới chân vực cầu dân sinh Bắc Hải, TP Biên Hòa, còn thi thể anh Thuyên nằm cách đó chừng 50 m.

TIẾN DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm