Mưa lũ, lở đá, sập nhà, tê liệt đường tàu

Trong ngày 13-12, UBND TP Nha Trang huy động hàng trăm người san dọn, khắc phục thiệt hại do kênh thoát lũ Đường Đệ thuộc phường Vĩnh Hòa bị vỡ vào rạng sáng cùng ngày. “Do kênh thoát lũ này nằm ngay dưới chân núi nên khi bị vỡ đã kéo theo hàng trăm tảng đá lớn đổ tràn xuống khu dân cư khiến người dân bàng hoàng” - ông Cao Văn Thời, cán bộ UBND phường Vĩnh Hòa, cho hay.

Đá to như con bò ầm ầm lăn vào nhà

Bà Lê Thị Sang, có nhà gần kênh thoát lũ, kể: “Gia đình tôi đang ngủ thì bất ngờ thấy nước chảy ào ào vào nhà. Ngay sau đó, nhiều tảng đá to như con bò, con heo ầm ầm lăn vào. Vợ chồng tôi chỉ kịp đưa con chạy thoát ra ngoài. Chỉ lát sau nước cuốn trôi hết tài sản trong nhà ra ngoài rồi dâng ngập lên gần hết tầng một”.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy hàng trăm tảng đá lớn từ trên núi rơi xuống, đổ ập vào nhiều ngôi nhà và khu vực tổng kho vật tư thiết bị thuộc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa. Một chiếc xe container đậu trước cổng kho cũng bị nhiều tảng đá lớn đè xung quanh. Các tuyến giao thông gần đoạn kênh Đường Đệ vỡ bị ngập sâu trong nước, ngổn ngang những tảng đá lớn. Theo UBND phường Vĩnh Hòa, hiện đã có hai ngôi nhà bị sập hoàn toàn, bốn ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng.

Tình trạng sạt lở cũng làm hàng trăm mét khối đất đá trên đồi bị sạt lở, đổ xuống chắn lấp một bên đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang. Thời điểm xảy ra sạt lở, một chiếc taxi cùng một xe du lịch bốn chỗ đi ngang qua bị đất đá chèn lấp. Rất may các tài xế kịp chạy thoát.

Hiện nhiều khu vực ở tỉnh này vẫn còn bị ngập, nặng nhất là TP Nha Trang.

Đất đá sạt lở, chắn lấp đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: CTV

Nhiều thủy điện ở Phú Yên ồ ạt xả lũ khiến vùng hạ du ngập sâu. Ảnh chụp chiều 13-12 tại cửa xả lũ Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. Ảnh: NGÔ XUÂN

Nhiều nhà không kịp dời tài sản

Chiều tối 13-12, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi phải điều đình với Thủy điện Sông Ba Hạ, yêu cầu họ phải hãm lưu lượng xả lũ để qua đỉnh triều. Nhiều vùng thuộc các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa bị ngập sâu”.

Tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu một số địa phương sơ tán hộ dân ở các vùng ven sông, trũng thấp đi tránh lũ.

Theo ghi nhận, tối 13-12, lũ dâng rất nhanh tại các xã Hòa An, Hòa Trị thuộc huyện Phú Hòa, một số vùng ven của TP Tuy Hòa (Phú Yên) khiến nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị, nước tràn nhanh, nhiều gia đình không kịp di dời tài sản. Nhiều người dân lo lắng, bức xúc vì không được nắm rõ thông tin thủy điện xả lũ. Người dân ở Phú Yên bất ngờ về đợt lũ này bởi nhiều năm nay chưa bao giờ tỉnh này xảy ra lũ lớn khi đã giữa tháng 11 âm lịch.

Chiều cùng ngày, nhiều gia đình ở các xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), Hòa An (huyện Phú Hòa) phải thuê phương tiện đưa gia súc ra khỏi các vùng bị ngập. Thậm chí có người thuê cả xe cẩu để đưa đàn bò nuôi ở các soi trên sông Ba lên bờ.

Tàu thông tuyến sau khi tê liệt cả ngày

Tại Phú Yên, đến 19 giờ ngày 13-12, đường sắt Bắc-Nam đoạn từ ga Hòa Đa đến ga Chí Thạnh (thuộc huyện Tuy An) thông tuyến trở lại. Trước đó, lực lượng quản lý đường sắt phát hiện 200 m nền đường thuộc đoạn đường trên bị sụt lún nên phải cho tàu ngưng lưu thông để sửa chữa.

Khoảng 14 giờ cùng ngày, đường sắt đoạn qua đèo Rù Rì (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã được khai thông sau khi bị tê liệt 13 tiếng đồng hồ do hàng ngàn khối đất đá sạt lở chắn lấp mặt đường. Tuy nhiên, do đất đá trên đèo vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt lở nên các đoàn tàu qua đoạn đường này chỉ được lưu thông với vận tốc 5 km/giờ.

Trước đó, nhiều đoàn tàu từ ga Sài Gòn ra bị mắc kẹt, phải nằm lại ga Nha Trang. Ngoài ra, đoàn tàu SE7 từ Hà Nội vào cũng phải nằm lại ga Lương Sơn. Ngành đường sắt đã điều động năm xe khách trung chuyển hành khách từ các tàu tại ga Nha Trang ra ga Lương Sơn và ngược lại để tiếp tục hành trình bằng tàu lửa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết nhiều hành khách nghe tin đường sắt bị tắc đã đến trả vé. Ngành chấp nhận thiệt hại, người trả vé không bị tính phí 5% như thường lệ.

Miền Trung sẽ tiếp tục có lũ lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 14-12, lũ trên các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và hạ lưu sông Ba tiếp tục lên nhanh; các sông ở Khánh Hòa xuống chậm và còn ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và sông Kỳ Lộ có khả năng lên lại. Cảnh báo từ ngày 14 đến 17-12, trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận có khả năng tiếp tục xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ở mức báo động (BĐ) 2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Ninh Thuận ở mức BĐ2 và trên BĐ2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

TP.HCM: Tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường

“Kể từ 8 giờ ngày 13-12, các địa phương, đơn vị; các tàu thuyền đánh cá, phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng trở lại hoạt động bình thường”. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có văn bản thông báo.

Sáng 13-12, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp, không còn ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM.

HỒNG TRÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm