Một số kiến nghị liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

 Một nhóm các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, sức khoẻ, pháp lý tại Việt nam vừa có thư kiến nghị hoãn thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Thư của nhóm này được gửi tới Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng một số đại biểu quốc hội ngày 2-11. Theo đó họ đề nghị xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10, đang diễn ra, để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.

Nội dung kiến nghị được tổng hợp từ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ trong cuộc tọa đàm “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi”, do các nhóm trên tổ chức vào sáng ngày 2-11 tại Hà Nội.

Tọa đàm “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi” được tổ chức vào sáng ngày 2-11-2020 tại Hà Nội.

“Chúng tôi nhận thấy bản dự thảo hiện tại của Luật (dự thảo lần thứ 7 - PV) vẫn còn nhiều vấn đề bất cập", thông cáo báo chí của nhóm nêu. 

Theo đó, nhóm kiến nghị một số nội dung của dự thảo luật mà họ cho là có bất cập, như công khai, công bố thông tin về môi trường; sự tham gia giám sát trực tiếp của người dân, cộng đồng dân cư; chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí; đối tượng tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ đầu tư dự án trong việc công khai, giải trình ĐTM; vấn đề các tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc, đo đạc chất lượng môi trường xung quanh và cung cấp thông tin; vấn đề khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường…

Trong đó, ở vấn đề công khai, giải trình ĐTM, nhóm cho rằng quy định tại khoản 9 Điều 38a dự thảo 7 về trách nhiệm của chủ dự án sau khi ĐTM được phê duyệt là chưa rõ ràng, đầy đủ. Cần phải có trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công khai báo cáo ĐTM. 

Nhóm này kiến nghị: “Cần quy định lại chủ thể có trách nhiệm công khai; làm rõ thời hạn công khai, hình thức công khai và phương thức công khai Báo cáo ĐTM”; “Bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của Chủ đầu tư đối với Báo cáo ĐTM nhằm tạo ra khung pháp lý chặt chẽ tạo thuận lợi cho người dân trong việc theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường.” 

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: TP

Cùng ngày với tọa đàm của nhóm chuyên gia nêu trên, hôm 2-11, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “những nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có sự trao đổi, tiếp thu ý kiến với các đại biểu quốc hội, chuyên gia trước khi hoàn thiện dự luật Quốc hội thông qua vào ngày 11-11 tới như chương trình đã công bố.

Ông Hà khẳng định đến thời điểm này, ý kiến đại biểu quốc hội về các chính sách lớn, các phương án lớn trong dự luật về cơ bản đã đi đến thống nhất. Vài khác biệt nhỏ còn lại, ông Hà nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe cố gắng hoàn thiện dự thảo để có một dự luật bảo vệ môi trường tốt nhất trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm