Một cọng bún, ba cơ quan cùng quản

79 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bấm nút đăng ký phát biểu, nhiều ĐB xin tranh luận khi QH thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016 hôm qua (5-6). Điều đó phần nào phản ánh bức xúc của xã hội trong thời “ăn gì cũng sợ” hiện nay.

Hai luống rau và một cọng bún

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng hàng loạt vụ phát hiện, bắt giữ thực phẩm quá hạn, không nguồn gốc. Trước đó là hàng loạt thông tin về chế biến măng chua bằng các chất tẩy trắng, chất nhuộm vàng công nghiệp, dùng thuốc trừ cỏ để bảo quản và thúc ép chuối chín, làm giá đỗ bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, dùng hóa chất để chế biến bì heo hay xử lý để chế biến thịt bò, thịt heo hôi thối thành khô bò, chà bông...

Theo ông Nhân, Luật ATTP năm 2010 đã đưa ra những biện pháp để khắc phục sự chồng chéo trong quản lý, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của mọi bộ, ngành trong lĩnh vực ATTP. Tuy nhiên, một số ngành hàng hiện nay vẫn có sự đan xen hoặc không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào.

“Có thể đơn cử việc quản lý chất lượng bún đang được cả ba bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế” - ông Nhân nói.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết quốc tế đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP của Việt Nam khá đồng bộ, đầy đủ. “Vấn đề là thực thi và xử phạt” - bà Tiến nói.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng một số ngành hàng hiện nay vẫn có sự đan xen hoặc không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào. Ảnh: TTXVN

Theo bộ trưởng, thực thi pháp luật không nghiêm khi có nhiều doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm pháp luật, coi thường, bất chấp sức khỏe của người dân. Vậy nên mới có chuyện người dân có hai luống rau, hai chuồng heo, hai chuồng gà phân biệt để dùng cho gia đình hay để bán; heo bị hủy vẫn dùng để sản xuất chà bông hay việc sử dụng phụ gia, chất cấm để tạo nạc; sử dụng nước lọc, đường hóa học và các phẩm màu để pha chế nước ngọt...

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, hiện nay mức xử phạt trong lĩnh vực ATTP quá thấp, mức phạt trung bình là 200.000 đồng, không đủ sức răn đe. BLHS có quy định về tội vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP nhưng thực tế nhiều vụ xảy ra hậu quả chết người vẫn không xử lý hình sự được.

“Người tiêu dùng thông thái”

Phát biểu trước QH, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng quan trọng nhất trong quản lý nhà nước hiện nay là phải xây dựng một xã hội với “những nhà tiêu dùng thông thái”. Bởi người tiêu dùng cũng là người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm. “Biện pháp quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân tự giác hiểu được” - ĐB Nhưỡng nói.

“Nhưng xin tranh luận lại, tôi không hiểu khái niệm thông minh, thông thái như thế nào khi xung quanh chúng ta len lỏi những người sản xuất, kinh doanh rất ác độc. Tôi không hiểu thông minh cỡ nào khi ra đường mình ăn nhòm đâu cũng không thấy an toàn, thực sự như vậy” - ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) nói.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho rằng nói người tiêu dùng thông thái, thông minh thì người dân nghe sẽ cảm thấy rất buồn, không đồng tình. Theo ĐB Học, tiêu dùng thông thái, thông minh tùy thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Trong khi người dân đói phải ăn, khát phải uống mà không có sự lựa chọn nào khác thì đòi hỏi người ta thông minh, thông thái như thế nào?

“Việc đặt ra ở đây là công tác quản lý của chúng ta trong thời gian qua tốt chưa? Vì sao công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta còn thụ động và không thể phát hiện ra thực phẩm của chúng ta tốt hay không tốt? Vấn đề đặt ra nữa là vì sao xử lý không nghiêm? Khi chúng ta làm chưa tốt công tác vệ sinh ATTP thì đòi hỏi người tiêu dùng thông minh, thông thái là không thể đáp ứng được” - ông Học nêu quan điểm.

Ai cũng mong thành công nhưng đừng ảo tưởng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang QH chiều 5-6, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, cho biết: “Mô hình Ban quản lý ATTP mới bắt đầu từ tháng 3-2017. Dù là mô hình mới, thí điểm thì vẫn phải tuân thủ những thủ tục pháp luật quy định trong việc thành lập một cơ quan mới và những thủ tục này vẫn đang hoàn thiện”.

. Phóng viên: Mô hình Ban quản lý ATTP của TP.HCM sẽ có những tác dụng gì?

+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trước hết là tiết kiệm thời gian, thủ tục cho DN. Theo mô hình này, thay vì DN phải mất tới bảy ngày làm thủ tục thì giờ chỉ còn ba ngày.

Ngoài ra, khi ban được thành lập thì công tác thanh tra ATTP sẽ thu về một đầu mối. Trước đây, mỗi quận, huyện chỉ vài chục thanh tra thì không đủ. Nhưng với 468 biên chế của ban, với 3/4 nhân sự chỉ tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm từng địa bàn, chúng ta sẽ có một lực lượng thường trực thanh tra, kiểm tra, phối hợp với địa phương theo kế hoạch từng tuần, từng tháng, từng năm chứ không cần đợi kiểm tra liên ngành.

. Như vậy có thể nói Ban quản lý ATTP chủ yếu là đi thanh tra?

+ Công tác kiểm tra là nhiệm vụ chính nhưng cần phải có “vũ khí”. Không có “vũ khí” như trang thiết bị kiểm tra nhanh thì làm sao biết thực phẩm đạt hay không. Không có “công cụ” tức không có chế tài thì làm sao có sức răn đe.

Chúng tôi đang đề xuất UBND TP trang bị những “vũ khí” bởi lẽ nếu không có “vũ khí” thì thanh tra chỉ là… “thanh tra giấy” thôi. Tức là thanh tra chỉ xem xem có đầy đủ giấy tờ hay không. Mà giấy tờ chỉ phản ánh được một phần, cái quan trọng là phải coi xem cái gì sau kiểm tra.

. Dù là một mô hình mới nhưng có vẻ Ban quản lý ATTP đã bắt đầu thành công?

+ Ai cũng mong mô hình này thành công nhưng đừng ảo tưởng và khoác cho mô hình này những quyền lực ghê gớm. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng một trong những khó khăn của đất nước mình là sự phối hợp. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chưa nói tới cấp bộ mà ngay cả các phòng trong cùng một sở đã khác. Nên cơ chế Ban quản lý ATTP sẽ khắc phục được các hạn chế này.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải kiểm tra thường xuyên để DN, người dân biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình đang có đơn vị giám sát.

. Vậy trước mắt Ban quản lý ATTP tập trung vào vấn đề gì?

+ Chúng tôi tập trung kiểm tra rất gay gắt, nhất là bữa ăn tập thể vì nguy cơ ở đó rất lớn. Giá bữa cơm công nhân hiện rất rẻ. Tôi cho rằng thực phẩm đắt tiền chưa chắc đã an toàn nhưng thực phẩm rẻ tiền theo tôi chắc chắn không an toàn.

. Xin cám ơn bà.

CHÂN LUẬN thực hiện

_____________________________

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, đại biểu HĐND TP.HCM, kể: “Tôi vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn mua hai trái mít chín. Sau khi đưa mít, người bán còn đưa tôi hai lọ nhựa đựng thứ nước màu trắng không nhãn hiệu rồi dặn muốn giữ mít tươi lâu độ hai tuần thì… phun thuốc này vào. Tôi thực sự bất ngờ vì cứ nghĩ chuyện phun hóa chất vào trái cây chỉ xảy ra ở các chợ truyền thống hoặc chợ tự phát, đằng này lại xảy ra trong chợ đầu mối”.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm