Mỗi người dân đều là nhà quản lý nước

“Việc tổ chức ngày Đất ngập nước (ĐNN) nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò chủ đạo của vùng ĐNN, những thách thức đối với vai trò quản lý nước, các hoạt động có thể thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái cho vùng ĐNN. Và nước phải được quản lý để đem lại lợi ích cho con người, sinh vật…”. Đây là yêu cầu của Bộ TN&MT đối với TP.HCM cũng như các tỉnh, thành trong cả nước về việc tổ chức những hoạt động hưởng ứng ngày ĐNN sắp tới (2-2-2013).

Thay đổi quan điểm về quản lý nước

Bộ TN&MT cho biết Công ước về các vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Công ước Ramsar) được ký vào ngày 2-2-1971 tại TP Ramsar (Iran). Các quốc gia thành viên đã thống nhất chọn ngày 2-2 hằng năm làm ngày ĐNN thế giới. Từ năm 1989 Việt Nam đã là một trong 163 quốc gia tham gia công ước này. Kể từ năm 1997 đến nay, kỷ niệm về ngày ĐNN đã trở thành hoạt động thường niên của các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương.

Năm nay, chủ đề ngày ĐNN là “Các vùng ĐNN duy trì nguồn nước”. Theo đó, thông điệp chính của ngày ĐNN là xem xét lại quan điểm của chúng ta về ĐNN trong việc quản lý về nước và thừa nhận những đòi hỏi của xã hội con người về tài nguyên nước là: được cung cung cấp nước thông qua các vùng ĐNN. “Để đảm vệ nguồn cấp nước, câu hỏi sẽ được đặt ra là: ai quản lý nước? Câu trả lời là tất cả chúng ta đều là những nhà quản lý nước chứ không phải là các công ty hay Chính phủ. Bởi lẽ mỗi cơ thể con người trên Trái đất đều chứa hơn 60% là nước” - Bộ TN&MT nhấn mạnh thêm.

Mỗi người dân đều là nhà quản lý nước ảnh 1

Bảo vệ nguồn nước, khắc phục ô nhiễm đang là vấn đề cấp bách cần ưu tiên thực hiện. Ảnh: HN

Theo Bộ TN&MT, ĐNN không nên được nhìn nhận như các yếu tố cạnh tranh với nước mà hơn thế nữa, nên được nhìn nhận như là các thành tố thiết yếu cho cơ sở hạ tầng về nước trong việc quản lý nước. Với bức tranh tổng quát dự báo về ĐNN năm 2013, các cán bộ làm công tác quản lý nước sẽ gặp nhiều thách thức từ việc quản trị nước cho đến các vấn đề về quản lý nước đô thị, nông nghiệp và nhất là các vấn đề quản lý nước xuyên biên giới.

Sẽ kiểm kê tài nguyên nước

Một lãnh đạo của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết trong thời gian qua, không chỉ người dân mà cả các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đều có suy nghĩ chủ quan rằng: Việt Nam là quốc gia có nguồn nước dồi dào, phong phú. Song trên thực tế chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều từ nguồn nước bên ngoài. Cụ thể, theo số liệu thống kê, Việt Nam có 3.450 dòng sông, suối. Trong đó có 206 nguồn nước liên quốc gia với tổng lượng nước mặt trung bình mỗi năm vào khoảng 830 tỉ m3 tập trung chủ yếu ở dòng sông lớn. Tuy nhiên, trên 60% nguồn nước mặt ở nước ta là từ nước ngoài chảy vào, qua các dòng sông lớn như Me Kong…

Bộ TN&MT nhận định chất lượng nước mặt ở nước ta đang có xu hướng suy giảm. Phần lớn ao hồ, kênh mương, các đoạn sông chảy qua đô thị, khu dân cư đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, một số chỉ tiêu như nồng độ oxy sinh học (BOD), chất rắn lơ lửng đã vượt quy chuẩn cho phép đến hàng chục lần. Song việc khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý, thiếu bền vững và còn lãng phí. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang gia tăng. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, trong đề án “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường”, Bộ TN&MT xác định từ nay đến năm 2020 sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và công bố bản đồ tài nguyên nước. Trong đó, ưu tiên cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Nguyên, các vùng kinh tế trọng điểm… Hoàn thành hệ thống quan trắc về tài nguyên nước, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước tự động - trực tuyến trên một số dòng sông lớn, quan trọng. Đồng thời, tiến hành kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bộ TN&MT nhìn nhận các chính sách, pháp luật bảo vệ tài nguyên nước tuy đã khá đầy đủ nhưng chậm được quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, thiếu cơ chế, thiếu công cụ kinh tế để khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm. Tổ chức bộ máy quản lý về tài nguyên nước vừa thiếu đồng bộ, còn có sự chồng chéo. Bên cạnh đó cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia kém hiệu lực.

HOÀNG NHIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm