Mố cầu Đuống nứt toác, hàng chục hộ lo 'hà bá' nuốt nhà

Khoảng hai tháng trở lại đây, hàng chục hộ dân tại tổ Đuống 2 (thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đang sống trong thấp thỏm, sau khi sự cố sạt lở tại khu vực cầu Đuống diễn ra. 

Theo đó, vào đầu tháng 10-2017, vết nứt "khủng" khiến mố cầu Đuống bị nứt toác, chạy dài khoảng 300 m, vào đến tận khu dân cư sinh sống sát bên cạnh.

Ghi nhận thực tế của PV, dọc theo vết nứt, nhiều vị trí bề mặt mố cầu Đuống bị tách ra làm hai. Các gờ bê tông đều bị gãy vụn, có những đoạn rộng ra tới cả chục cm.

Tại một số vị trí khác, bề mặt trải bê tông bị sụt sâu xuống, tạo thành bậc thang.

Vết nứt chạy dài từ mố cầu xuống tận khu vực tiếp giáp với mặt sông.

Sau khi gây thiệt hại cho mố cầu, trận sạt lở tiếp tục ăn sâu vào các nhà dân ngay sát đó. Có khoảng hơn 10 hộ dân thuộc tổ dân phố Đuống 2 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố này.

Tường nhà của một hộ dân bị nứt toác tại khu vực móng, có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. 

Các hộ dân ở đây cho biết do lo sợ bị "hà bá" nuốt, hầu hết phải ra ngoài thuê trọ hoặc chuyển đến nhà người quen ở. Số còn lại do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên đánh liều ở lại.

Vết nứt tại nhà một hộ dân, chia căn nhà thành hai phần rõ rệt. Tại những vị trí nứt rộng, người quan sát có thể nhìn thấy cả đất, gạch đá,... bên dưới.

Nghiêm trọng hơn, vết nứt chạy tới cả phần móng nhà, tạo thành một khe rất lớn.

Bà Bùi Thị Dậu, một trong số ít hộ dân còn bám trụ ở lại, cho hay do ảnh hưởng của sạt lở, nhà bà bị lún nứt nghiêm trọng nên các con cháu đã phải ra ngoài thuê trọ ở. Hiện tại chỉ còn hai ông bà ở với nhau, cuộc sống bị xáo trộn rất nhiều. Kể từ khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương có xuống ghi nhận thực tế và cho biết đang xem xét phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Quang Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên, cho hay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống hiện trường ghi nhận tình trạng của các hộ dân, kịp thời phối hợp với các đơn vị xử lý an toàn. Có hơn 10 hộ thuộc diện ảnh hưởng nghiêm trọng, bị lún nứt. Hiện tại, việc di dời phải phụ thuộc vào UBND huyện Gia Lâm có bố trí được công tác tái định cư và các thủ tục khác hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm