Mẹ con kiện nhau, người khác mất đất

Trường hợp này bà Yến có quyền làm đơn khiếu nại đến chánh án TAND hoặc viện trưởng VKSND tỉnh Long An đề nghị một trong hai vị này kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo quyền lợi của mình.

Bà Nguyễn Thị Hống Yến (quận Tân Bình, TP.HCM) mua được miếng đất hơn 1.300 m2 ở Đức Hòa (Long An), đã được cấp giấy đỏ từ năm 2010. Bà chẳng bị ai tranh chấp, kiện tụng. Bỗng nhiên, cuối tháng 5 rồi, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Đức Hòa tổ chức cưỡng chế, thu hồi hơn 1.000 m2 từ miếng đất nói trên của bà để giao cho người khác.

Bỗng dưng phải THA

Bà Yến kể khi biết có chuyện cưỡng chế, bà nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó nên vội vàng đến cơ quan THA để phân bua, giải thích. Bà chìa giấy đỏ đứng tên mình để chứng minh rằng đây là miếng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cơ quan THA trả lời không có sự nhầm lẫn nào ở đây cả, rằng họ làm đúng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện Đức Hòa.

Mẹ con kiện nhau, người khác mất đất ảnh 1

THA đang cưỡng chế, phá tường rào đất của bà Yến để giao cho người khác. Ảnh: ÁI NHÂN

Đến lúc này bà Yến mới… té ngửa. Thì ra có một cái án tòa như thế thật, được xét xử từ ngày 24-8-2010. Có điều nội dung bản án không hề liên quan đến tên tuổi của bà, ngoại trừ cái miếng đất bà đang đứng tên - đối tượng của vụ kiện mà tòa đã xét xử.

“Té ra là hai mẹ con người bán đất cho tôi trước đây kiện nhau và tòa đã tuyên người con phải giao đất (mà tôi đang đứng tên) cho bà mẹ nhưng không đoái hoài gì đến tôi cả” - bà Yến bức xúc. Rồi bà kể nguồn gốc miếng đất nói trên bà mua lại từ ông Nguyễn Văn Chiến (lúc ấy ông Chiến đứng tên trong giấy đỏ). Sau đó không lâu, mẹ ông Chiến kiện ông Chiến ra tòa để đòi đất. Đáng lẽ tòa phải đưa bà Yến tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xem xét thấu đáo vụ kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bà, đằng này tòa lại cứ thế mà xử. Vì vậy, bà Yến không hề biết miếng đất của mình trở thành đối tượng tranh chấp của hai mẹ con người bán đất.

Tòa thừa nhận thiếu sót

Bà Trần Thị Kim Thảnh, Chánh án TAND huyện Đức Hòa - người trực tiếp xét xử vụ án nói trên, giải thích trong quá trình hòa giải cũng như xét xử, ông Chiến không hề cung cấp cho tòa biết miếng đất mà mẹ ông tranh chấp ông đã bán cho bà Yến và bà Yến đã được cấp giấy đỏ. Vì thế, tòa không biết để đưa bà Yến tham gia vào vụ kiện. Bà Thảnh thừa nhận đây là sự thiếu sót của HĐXX. Tuy nhiên, do án đã có hiệu lực pháp luật nên muốn sửa sai thì phải làm theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án.

Theo bà Thảnh, trường hợp này bà Yến có quyền làm đơn khiếu nại đến chánh án TAND tỉnh hoặc viện trưởng VKSND tỉnh Long An đề nghị một trong hai vị này kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. “Chỉ khi giám đốc thẩm hủy án, giao về cho cấp sơ thẩm xét xử lại thì chúng tôi mới đưa bà Yến vào tham gia tố tụng. Từ đó mới xem xét vụ việc một cách khách quan, toàn diện, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà Yến” - bà Thảnh nói.

Tương tự, ông Lê Văn Lình, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa, cũng cho rằng chỉ khi nào có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan này mới tạm dừng việc THA được. “Sau khi bà Yến trình ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi đã giải thích và hướng dẫn cho bà làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Còn vừa qua, chúng tôi chỉ làm đúng theo những gì mà bản án đã tuyên” - ông Lình nói.

TIẾN HIỂU - ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm