Mặt bằng bán lẻ sẽ sôi động trong năm tới

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, năm 2011, thị trường bất động sản sẽ hồi phục với tốc độ và cường độ nhanh, mạnh, trong đó mặt bằng bán lẻ sẽ là mảng thị trường đầy thu hút và sẽ rất sôi động.

Trước đây, TP chỉ có một số trung tâm thương mại lớn như Diamond Plaza, Parkson, thương xá Tax, Saigon Center (quận 1), Thuận Kiều Plaza (quận 5) là có mặt bằng bán lẻ, tập trung chủ yếu các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm cao cấp. Đến nay, nhu cầu mua sắm của người dân cao hơn nên TP đã có 20 trung tâm mua sắm và sáu khu bán lẻ khối đế. Đó là chưa kể tới sáu trung tâm bách hóa, 61 siêu thị. Các trung tâm thương mại lớn có mặt bằng bán lẻ không chỉ tập trung tại khu vực trung tâm mà còn được phân bố ở ngoại thành, tại những nơi tập trung đông dân cư và mức sống tương đối cao như quận 11, quận 7…

Mặt bằng bán lẻ sẽ sôi động trong năm tới ảnh 1

Tới đây, mặt bằng bán lẻ sẽ là mảng thị trường đầy thu hút và sẽ rất sôi động. Ảnh: HTD

Theo ông Rudolf Hever, Phó Giám đốc phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư, Công ty TNHH CB Rechard Ellis (CBRE), thường các nhà bán lẻ đến từ những thương hiệu danh tiếng trên thế giới sẽ chọn mặt bằng đẹp tại khu vực trung tâm để bán hàng. Tuy nhiên, do quỹ đất của khu vực trung tâm ngày càng hạn hẹp (hiện nguồn cung ở khu vực này đang ở mức thấp nhất TP) và giá thuê đắt đỏ nên nhiều nhà bán lẻ phải tìm mặt bằng ở những khu vực lân cận, hoặc ở ngoại thành vì giá thuê mềm hơn. Hiện ba trung tâm thương mại Kumho Aseana Plaza (quận 1), Saigon Paragon (quận 7) và Thuận Kiều Plaza (quận 5) tạm rút khỏi thị trường nên những người thuê mặt bằng tại ba trung tâm này phải tìm địa điểm kinh doanh khác nên việc thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tăng.

Theo Công ty Savills, cùng với việc ngành bán lẻ đang tăng trưởng mạnh thì nguồn cung về mặt bằng bán lẻ trong quý I-2011 cũng tăng, đạt khoảng 800.00 m2 so với hơn 600.000 m2 hiện tại. Việc lựa chọn các khối đế chung cư thay vì kinh doanh tại các trung tâm thương mại lớn cũng là một xu hướng mới và năm 2011 được xem là năm của nhà phố thương mại.

Ông Rudolf Hever nhận định: “Do nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại trung tâm thành phố có giới hạn, chúng tôi dự đoán các nhà bán lẻ sẽ vào các khu thương mại nhỏ, thuê nhà phố, mở rộng ra các khu trước đây không phải là trung tâm thương mại như quận 5, Gò Vấp, đồng thời sẽ có nhiều khu kho bãi, nhà xưởng cũ được sửa chữa, nâng cấp thành khu bán lẻ, hình thành một số khu bán lẻ mới”. Hiện các khu nhà phố tại các tuyến đường tại khu vực trung tâm như Mạc Thị Bưởi, Đồng Khởi, Đông Du, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi cũng “đắt như tôm tươi”. Ngoài ra, những tuyến đường như Lê Văn Sỹ, Cao Thắng, Võ Văn Tần cũng đang nằm trong đích ngắm của các nhà bán lẻ. Những nhà xưởng, kho bãi và nhà phố dọc theo đại lộ Đông Tây và quận 4 cũng đang được nâng cấp để phục vụ cho mục đích bán lẻ.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm