Lý do hơn 1,4 triệu người dân TP.HCM chưa nhận gói hỗ trợ đợt 3

Chiều 26-11, Thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát đối với bốn sở: LĐ-TB&XH, Y tế, Tài chính, TT&TT về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM phát biểu gợi mở buổi giám sát. Ảnh: TÁ LÂM

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho đối tượng theo Nghị quyết số 97 của HĐND TP (đợt 3) là hơn 6,2 triệu người (đạt hơn 78%) trong tổng số hơn 7,9 triệu người mà UBND các quận huyện và TP Thủ Đức phê duyệt.

Tổng số người chưa nhận được hỗ trợ là hơn 1,4 triệu người. Trong đó nguyên nhân do địa phương thiếu kinh phí để chi hỗ trợ (hơn 1,3 triệu người); đang cách ly, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nên không có mặt tại địa phương (hơn 17.000 người); 2.617 người đã chết; không có mặt tại địa phương tại thời điểm chi trả (hơn 102.000 người) và hơn 47.000 người chưa nhận được hỗ trợ do địa phương không liên hệ được người nhận, không có giấy tờ tùy thân...

Đến nay, nhiều quận huyện đã chi trả tiền hỗ trợ cho người dân đạt tỉ lệ cao như quận 5 đạt 100%, quận 10 đạt 99,9%. Tuy nhiên, một số quận huyện đạt tỉ lệ thấp như huyện Bình Chánh chỉ mới chi hỗ trợ được 41,1%, quận Bình Tân mới đạt 49,2%.

Cũng theo ông Cường, trong đợt chi hỗ trợ vừa qua có 16.781 người từ chối nhận hỗ trợ. Tổng số người không đủ điều kiện hỗ trợ là 241.447 người, trong đó nguyên nhân do trùng lắp là 105.661 người, không thuộc đối tượng là 80.778 người, đã nhận ở địa phương khác là 14.302 người và các nguyên nhân khác có 40.706 người (bán nhà đi nơi khác, đã xuất cảnh, lập danh sách không thực tế với nơi cư trú...).

Theo ông Cường, các gói hỗ trợ của TP.HCM thể hiện chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa, hỗ trợ đúng thời điểm nhiều người gặp khó khăn và được người dân đồng tình, đánh giá cao. Qua đó phát huy được tinh thần đoàn kết, tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, nhiều lao động đã cố gắng tự xoay sở trong lúc khó khăn và tình nguyện nhường lại khoản hỗ trợ của mình cho những người khó khăn hơn. Điều này cũng thể hiện tính nhân văn, nghĩa tình của TP.HCM.

Qua các đợt hỗ trợ, ông Cường cho rằng đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở. “Hệ thống chính trị cơ sở làm những việc chưa có tiền lệ, chịu áp lực chưa từng có, vừa phải phòng chống dịch đảm bảo sức khỏe cho người dân, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội để đảm bảo người dân không thiếu đói” – ông Cường nói.

Tuy nhiên, đại diện Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận các gói hỗ trợ liên tục ra đời dẫn đến địa phương gặp rất nhiều khó khăn để xử lý các tình huống phát sinh, trong khi thời gian giải quyết yêu cầu phải rất nhanh, rất cấp bách.

“Do lực lượng mỏng, trong khi khối lượng công việc phát sinh cùng lúc quá lớn nên nhiều lúc không thể trực tiếp tiếp cận được người có nhu cầu hỗ trợ thực tế” – ông Cường nói và cho rằng từ đó phát sinh nhiều thiếu sót, quá trình rà soát và xét duyệt đối tượng chi hỗ trợ chưa trọn vẹn.

Ngoài ra, do ngân sách TP.HCM chuyển xuống địa phương chậm, trong khi ngân sách quận huyện và TP Thủ Đức hạn chế nên mặc dù có chủ động nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng đến tiến độ trong công tác cho hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm