Luật sư nhắc chủ tọa không được mớm cung

Sau 11 lần mở phiên tòa mà không xử được, hôm qua (10-9), TAND huyện Bắc Bình đã đưa vụ án trộm dê ra xử sơ thẩm. Làm việc nguyên ngày nhưng tòa chỉ mới xong phần thủ tục, chưa xong phần xét hỏi.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 13-8 (lần thứ 11), bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt và các luật sư đề nghị HĐXX thay đổi thư ký phiên tòa nhưng sau đó phiên tòa bị hoãn vì lý do thay đổi hội thẩm nhân dân mà chưa thông báo cho luật sư.

Đề nghị đổi cả HĐXX, KSV và thư ký (!)

Bắt đầu phiên tòa, luật sư nói tại phiên tòa ngày 13-8 luật sư chỉ có ý kiến việc HĐXX thay đổi một vị hội thẩm nhưng không thông báo cho các luật sư. Sau đó, bị cáo Nguyệt và các luật sư cùng có ý kiến đề nghị HĐXX thay đổi thư ký phiên tòa - ông Văn Hồng Lễ, vì ông Lễ là người đã đưa vật chứng vụ án cho người bị hại khiến vật chứng vụ án bị thất lạc. Đây là bằng chứng cho thấy ông Lễ có thể sẽ không khách quan khi làm việc. Đồng thời, kiểm sát viên (KSV) không có ý kiến nào đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Thế nhưng trong quyết định hoãn, tòa lại ghi nhận lý do hoãn là các luật sư và KSV đề nghị hoãn vì tòa chưa thông báo việc thay đổi hội thẩm.

Luật sư nhắc chủ tọa không được mớm cung ảnh 1

Bị cáo Nguyệt trong giờ giải lao. Ảnh: HỒNG TÚ

Từ ý kiến trên, luật sư cho rằng HĐXX đã không ghi nhận trung thực lý do hoãn, luật sư đề nghị hoãn lúc nào, KSV đề nghị hoãn lúc nào. “Mới chỉ ở phần thủ tục mà đã không khách quan thì liệu đi vào phần nội dung có khách quan không?” - luật sư đặt vấn đề và đề nghị thay đổi toàn bộ HĐXX, KSV và thư ký phiên tòa.

Trước yêu cầu của luật sư, HĐXX đã vào hội ý. Sau khi hội ý, thẩm phán Võ Tấn Sinh, chủ tọa phiên tòa, thông báo việc thay đổi hội thẩm mà không thông báo cho các luật sư là vi phạm tố tụng nên phải hoãn để thông báo. Riêng thư ký tòa, HĐXX thấy không có căn cứ cho rằng sẽ không khách quan khi làm việc nên không chấp nhận thay đổi. Do vậy, quyết định hoãn của phiên tòa ngày 13-8 là đúng. Từ đó, HĐXX bác yêu cầu thay đổi toàn bộ HĐXX, KSV và thư ký phiên tòa của luật sư.

Bị cáo: “Sao tòa ép tôi quá vậy!”

Đến phần xét hỏi, bị cáo Nguyệt nhiều lần phản ứng: “Sao tòa ép tôi quá vậy!”. Đồng thời, luật sư nhiều lần cắt ngang: “Đề nghị chủ tọa không mớm cung!”.

Chủ tọa đưa ra giấy phôtô hợp đồng giữa bị cáo với cha mẹ bị cáo có nội dung bị cáo chỉ là người chăm sóc đàn dê, người chủ đàn dê và trang trại là cha mẹ của bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo Nguyệt chỉ thừa nhận có viết nhưng không ký và sau đó đã hủy đi tờ giấy này. Chủ tọa hỏi: “Đây có phải là chữ ký và chữ viết của bị cáo không?”, bị cáo Nguyệt trả lời: “Bị cáo không viết nên chữ viết và chữ ký không phải của bị cáo, nếu cần xác định thì tòa cứ trưng cầu giám định”. Chủ tọa: “Nếu giám định đúng là chữ của bị cáo viết và ký thì bắt bị cáo nhé? Dù đây là bản phôtô nhưng vẫn giám định được”. Bị cáo bức xúc: “Sao chủ tọa ép tôi quá vậy!”.

Trong phần thẩm vấn nhân chứng (là mẹ của bị cáo), luật sư cũng phản ứng vì cho rằng chủ tọa mớm cung. Theo đó, chủ tọa hỏi: “Ông Lý có đầu tư vào trang trại không, có mua đất của bà Lâm không?”. Mẹ bị cáo trả lời: “Ông Lý rất kỹ tính nên đầu tư và mua đất nhưng không đưa tiền mà bị cáo Nguyệt đưa tiền”. Chủ tọa thắc mắc: “Ủa, sao đầu tư mà không đưa tiền?”. Mẹ bị cáo gật đầu: “Cũng có”. Chủ tọa: “Vậy là ông Lý có đưa tiền đầu tư trang trại, đưa tiền mua đất cho bà Lâm đúng không?”. Mẹ bị cáo: “Cũng có”. Ngay lập tức, chủ tọa nói: “Vậy ông Lý có đầu tư vào trang trại, đưa tiền mua đất. Thư ký ghi ngay chi tiết này vào biên bản!”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo phản ứng, đề nghị chủ tọa không được mớm cung trong khi xét hỏi. Nhưng chủ tọa nói: “Tôi cắt lời luật sư, tôi chỉ hỏi cho rõ sự việc”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.

Theo hồ sơ, đêm 28-5-2005, bà Nguyệt thuê người đến chuồng dê của bà Y lùa trộm 52 con dê (trị giá gần 120 triệu đồng) lên xe ô tô chở đi. Sau đó, bà Nguyệt bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản.

Quá trình điều tra, bà Nguyệt lý giải năm 2004, bà mua miếng đất của bà Nguyễn Thị Lâm (người đứng tên trên giấy đỏ) làm trại nuôi dê rồi gầy dựng được đàn dê trên 50 con. Hai bên chỉ mua bán bằng giấy tay, bà Lâm giao giấy đỏ cho bà Nguyệt giữ, cả hai chưa làm thủ tục sang tên. Năm 2005, bà Nguyệt đưa cha mẹ về sống chung. Do mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bà làm giấy tay bán đàn dê và mảnh đất nói trên cho bà Y nhưng bà Nguyệt không hay biết. Lúc mâu thuẫn gia đình lên cao, bà Nguyệt đã chở đàn dê của mình đi để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra chứ không hề bắt trộm dê của ai…

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm