XỬ VỤ HUYỀN NHƯ LỪA 4.000 TỈ ĐỒNG

Luật sư: Không có quy định về lòng tham!

Ngày 21-1, phiên xử Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đông đi vào tranh luận khá gay gắt. Sau phần đối đáp lần một của công tố viên, các luật sư đã phản bác khi tranh luận lại. Có luật sư nói công tố viên đang mâu thuẫn.

Pháp nhân VietinBank phải đảm bảo an toàn tiền gửi

Gay cấn nhất là phần tranh luận xung quanh chuyện có hay không trách nhiệm dân sự của VietinBank đối với các nguyên đơn dân sự và người bị hại. Nhiều luật sư không đồng tình việc VKS cho rằng nếu không có lòng tham của lãnh đạo các công ty, ngân hàng thì Huyền Như không chiếm đoạt được tiền. “Pháp luật không có quy định về điều này (lòng tham). Khách hàng đã gửi tiền vào VietinBank, sau đó Huyền Như mới lừa đảo chiếm đoạt tiền từ VietinBank. Huyền Như là người đại diện của VietinBank thì pháp nhân VietinBank phải chịu trách nhiệm về các khoản tiền của khách hàng đã gửi vào VietinBank” - luật sư nói.

“Khi tiền đã vào hệ thống ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý. Pháp nhân ngân hàng phải chịu trách nhiệm về an toàn tiền gửi, nhân viên ngân hàng sai trái thì pháp nhân càng phải chịu trách nhiệm” - luật sư của NaviBank nhấn mạnh.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như. Ảnh: HY

Luật sư NaviBank viện dẫn: “VKS cho rằng không có quy định nào về việc đến tận nơi phục vụ cá nhân gửi tiền; vì là giao dịch ngoài luồng, không đến địa điểm giao dịch nên dẫn đến hậu quả rủi ro lớn. Trong khi trang web của VietinBank nêu rõ khách hàng được hưởng một trong các lợi ích là “được cung cấp dịch vụ thu/chi tiền gửi tiết kiệm tại nhà (nếu có nhu cầu)”.

Không tin nhầm Huyền Như, chỉ tin nhầm VietinBank

Ngược lại, VKS cho rằng NaviBank tin vào Như không có căn cứ nên bị thiệt hại. Luật sư “phản pháo” ngay: “NaviBank tin tưởng có căn cứ thì mới có đầy đủ cơ sở pháp lý yêu cầu VietinBank phải có trách nhiệm trả tiền. Cụ thể: Như là người có chức vụ, quyền hạn thật của VietinBank; Như là người được VietinBank khen thưởng điển hình xuất sắc, mang lại thành tích, kết quả kinh doanh tốt cho VietinBank; VietinBank đã được hưởng lợi từ việc huy động, sử dụng vốn huy động và các dịch vụ liên quan đến số tiền huy động. NaviBank đã tin nhầm vào VietinBank!” - luật sư nói.

Theo luật sư, VKS nói chưa có trường hợp nào thực hiện gửi tiền theo đúng quy định mà mất tiền. Điều đó là hoàn toàn đúng nhưng không thể mang điều này ra để chứng minh cho việc ở đây mất tiền là do gửi tiền không đúng quy định.

Tranh luận lại, VKS cho rằng hành vi chiếm đoạt tiền của Như hoàn thành vào thời điểm chuyển tiền. Ý thức chủ quan của Như là chiếm đoạt của NaviBank. Hành vi chiếm đoạt hoàn thành tại thời điểm này, vì ham lãi suất cao mà NaviBank đã đi theo đúng đường mà Như đã đề ra, tiền vào tài khoản là NaviBank đã làm đúng sự dẫn dụ của Như, NaviBank đã mất quyền kiểm soát từ thời điểm đó.

“Nếu nói thế thì VietinBank hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong việc quản lý tài khoản, không bảo đảm sự an toàn, chính xác tiền gửi trong tài khoản của khách hàng. Tiền gửi vào cho VietinBank vay là đã thuộc sở hữu của VietinBank. VietinBank phải có trách nhiệm chủ yếu trong việc quản lý an toàn, chính xác số tiền trong tài khoản” - luật sư nói.

“VietinBank để mất tiền mới là bất bình thường”

Luật sư của Ngân hàng ACB cho rằng phần lớn những vấn đề mà luật sư đề nghị làm rõ tại phiên tòa đã không được đáp ứng. “Cáo trạng xác định Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB toàn bộ số tiền gửi là gần 719 tỉ đồng. Nhưng trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện VietinBank tìm mọi cách che giấu việc trích tiền thanh toán nợ của Huyền Như, tìm mọi cách chứng minh cho là tiền gửi - tiền vay của ACB không chuyển vào VietinBank và đổ hết trách nhiệm khi khăng khăng cho rằng Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của ACB. Còn VietinBank thì vô can và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong số 18 câu hỏi chúng tôi đặt ra cho VietinBank. Ngay trong phần xét hỏi, chúng tôi đã hỏi Huyền Như và đã chứng minh tiền đã vào tài khoản tại VietinBank và đã được VietinBank quản lý” - luật sư nói.

Đối đáp lại, VKS phân tích và bảo lưu quan điểm như ban đầu. Nguyên nhân dẫn tới việc nhiều cá nhân, tổ chức trở thành nạn nhân là vì tham lãi suất, ký lệnh chi khống, che giấu những giao dịch bất hợp pháp, không theo dõi số tiền trong tài khoản... Từ đó công tố viên cho rằng các nạn nhân bị Như dẫn dụ, chiếm đoạt tiền chứ không phải lỗi của Vietinbank.

“Các luật sư lặp đi lặp lại và cố tình bỏ qua lỗi của chính thân chủ mình, lấy quan hệ tín dụng bình thường để bảo vệ cho các quan hệ không bình thường.

VietinBank chỉ phải chịu trách nhiệm nếu chỉ định Như đi giao dịch huy động vốn, còn ở đây Như mạo danh làm bị hại tin nhầm giao tiền rồi bị chiếm đoạt. Vì vậy VietinBank không có lỗi nên không phải bồi thường”.

Lập tức luật sư NaviBank phản bác: “Chính VKS mới hiểu những điều bình thường thành bất thường. Tiền trong tài khoản do VietinBank quản lý nhưng VietinBank để mất mà ngân hàng này không có trách nhiệm mới là bất thường”...

Ngày 22-1, phiên xử tiếp tục phần tranh luận.

HOÀNG YẾN

Các bị cáo đều là nạn nhân của Huyền Như

Bào chữa cho các bị cáo là nhân viên, cán bộ ngân hàng (ngoài Huỳnh Thị Huyền Như), luật sư phân tích cho đến khi khởi tố vụ án, bắt Huyền Như, thực tế hồ sơ các khoản vay đều có đầy đủ chữ ký, chỉ khi qua kiểm tra kỹ thuật hình sự mới phát hiện là chữ ký giả. “Ngay cả VietinBank cũng không phát hiện được thì làm sao cán bộ cấp dưới của Huyền Như có thể biết được Huyền Như đang thực hiện hành vi lừa đảo…” - luật sư nói. Từ đó các luật sư cho rằng mức án mà VKS đề nghị cho các bị cáo trong vai trò giúp Như là quá nặng vì đa số đều bị Như lợi dụng.

Đối đáp lại, VKS cho rằng buộc tội vậy là thỏa đáng nhưng chia sẻ về việc mức án cao với 10 bị cáo nhóm nhân viên, cán bộ ngân hàng. Bởi xét cho cùng họ là nạn nhân của Như, bị Như lừa dối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm