Luật ban hành nhiều nhưng chất lượng chưa cao

Cả một nhiệm kỳ ở vai phản biện, góp ý cho Chính phủ (CP) và các cơ quan tư pháp, đến kỳ họp cuối cùng này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tự đánh giá còn nhiều việc mà QH chưa làm tốt, thậm chí còn biểu hiện tự dễ dãi. Đó là cảm nhận chung của Pháp Luật TP.HCM trong buổi thảo luận ở tổ về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của ba nhánh quyền lực Nhà nước sáng 23-3.

Đại biểu còn ngại đụng chạm

Đại biểu Trần Văn Độ, chuyên gia đầu ngành tư pháp, dẫn báo cáo của QH khóa XIII rằng thành tựu lớn nhất là hoạt động lập pháp dày đặc: Ban hành Hiến pháp sửa đổi, sửa một loạt luật. Tính ra trong năm năm qua, QH ban hành, sửa đổi trên 100 luật. Số lượng khá nhiều nhưng chất lượng thì “có những luật tôi cho là chưa thật cần thiết”. Ông Độ dẫn chứng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá làm ra nhưng có vẻ chẳng đi vào cuộc sống. Trong khi đó, những luật quan trọng đảm bảo thực thi trên thực tế quyền con người, như Luật Biểu tình, Luật Hội thì “chúng ta lại lần lữa, rút đi rút lại, lấy lý do là khó, còn ý kiến khác nhau”.

“Hiến pháp 2013 tốt, tiến bộ nhưng một số quy định trong luật lại chưa thể hiện đúng tinh thần, như vậy là sự thụt lùi so với Hiến pháp” - đại biểu Độ tự vấn.

Cũng với tinh thần tự phê bình như vậy, đại biểu Bùi Nguyên Súy - Phó Trưởng ban Dân nguyện cho rằng QH còn chưa thực sự nghiêm khắc với chính mình. “QH phê phán dự thảo luật của CP trình nhưng thử hỏi, để ban hành ra nó thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan thẩm tra thế nào? Chất lượng thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH thế nào? Chất lượng tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH có cao không?” - ông Súy phát biểu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu TP.HCM. Ảnh: THU NGUYỆT

Dẫn ra một loạt nghị quyết của QH, của Ủy ban Thường vụ QH ban hành đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được tổng kết, ông Súy đánh giá QH còn dễ dãi với chính mình. Đơn cử như Nghị quyết 23 của QH, ban hành từ năm 2003 để xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý cũng như cải tạo XHCN trước ngày 1-7-1991. Trong văn bản này, QH giao CP thực hiện trong năm năm với tinh thần khẩn trương. Thế nhưng đến nay đã 13 năm QH không hề tổng kết, đánh giá hiệu quả thế nào, trong khi vấn đề này vẫn đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ở tổ thảo luận của đoàn đại biểu TP.HCM, ông Trần Hoàng Ngân, một đại biểu quan tâm nhiều đến mảng tài chính - ngân sách phát biểu: “QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy nhưng vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, thu - chi ngân sách… thì dường như chưa được bàn luận thấu đáo. QH dễ dãi nên nợ công nay mới căng thẳng. Chỉ tiêu bội chi liên tục vi phạm, vậy mà chúng ta vẫn bấm nút thông qua. Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chúng ta biểu quyết nhưng khi không thực hiện thì ta cũng không quy trách nhiệm được. Nhiều đoàn giám sát lập ra nhưng chỉ đến nghe báo cáo là chính”.

Thừa nhận còn nhiều đại biểu không dám phản ánh hết thực tế cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, song bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM giải thích điều đó có nguyên nhân từ cơ chế xin-cho giữa địa phương với trung ương. Còn cơ chế ấy thì “đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn thì sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Đại biểu vì thế không dám phát biểu hết suy nghĩ, phát biểu không mang hơi thở cuộc sống”.

Chủ trương tốt nhưng triển khai không tới được

Đánh giá về báo cáo nhiệm kỳ của CP, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng đây là lúc để nhìn nhận lại 10 năm công tác của Thủ tướng và CP. Đó là khoảng thời gian đầy thử thách do khủng hoảng kinh tế thế giới, căng thẳng gia tăng không ngừng trên biển Đông.

“Nhìn toàn diện thì chúng ta thấy sự năng nổ, dấn thân nhưng cũng không ít yếu tố mang tính phiêu lưu. Vì thế mà khi kết thúc nhiệm kỳ trước, CP đã để lại hàng loạt sự việc như Vinashin, Vinalines, bauxite… và nhiệm kỳ năm năm tiếp theo là khắc phục hậu quả. Quá trình khắc phục này hết sức quyết liệt và đã đem lại chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, mà rõ nhất là giao thông. Điều này ai cũng nhìn thấy” - ông Quốc nhận xét.

Đại biểu Bùi Nguyên Súy thì cho rằng đánh giá CP cần toàn diện, khách quan hơn. Bởi thực tế, như Thủ tướng trình bày trước QH, là trong quá trình quản lý, điều hành, nhiều vấn đề lý luận còn lúng túng, chưa có lời giải. “Tôi cho rằng lúng túng ấy không chỉ ở CP, mà là vướng mắc của thể chế. Như quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thấy rõ là cần thiết, là đúng đắn nhưng triển khai lại không tới được, vì cả một vùng ấy bị chia cắt bởi các tỉnh ủy, thành ủy”.

Chủ tịch QH: “Tôi không còn gì trăn trở”

Trò chuyện với báo chí, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tôi không còn điều gì để trăn trở, vì hai nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo tôi đều đã hoàn thành”. Hai nhiệm vụ ấy, theo ông gồm cố gắng làm cho tốt, tận tâm, tận lực, rèn luyện để vượt qua chính mình khi được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao nhiệm vụ và chuẩn bị người thay thế mình.

Ông Hùng chia sẻ khó khăn của người làm lãnh đạo trong cuộc sống đầy phức tạp là khi đặt ra kế hoạch gì thì phải khả thi, không được viển vông, nếu không sẽ thành hứa hão. Như việc QH sửa Hiến pháp, dù còn nhiều điều muốn đưa vào nhưng rồi cũng phải chấp nhận theo kiểu “đáp ứng 60%-70% nhu cầu, vì không phải cái gì cũng làm được ngay”.

Cũng theo Chủ tịch QH, phân vai lập pháp, hành pháp, tư pháp trong hệ thống chính trị hiện nay chỉ mang tính tương đối. “Nếu anh ngồi ở QH mà không hiểu công việc của CP và ngược lại, ngồi CP mà không hiểu công việc QH thì làm sao được. Mà chung quy làm ở đâu thì cũng phải hiểu việc dân, việc đất nước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm