Luận án tiến sĩ của Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội không trích dẫn đúng quy định

Theo kết luận thanh tra, nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo, đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Theo giải trình của ông Nguyễn Cảnh Lương, năm 1993 ông làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS-TSKH Nguyễn Văn Mậu và PGS-TS Đặng Văn Khải với đề tài “Hệ Cauchy-Riemann và hàm chỉnh hình trong đại số Clifford”. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về các quy định, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc phải trích dẫn, chú giải đầy đủ, rõ ràng những phần tham khảo cách làm của PGS-TS Đặng Văn Khải và các tác giả khác nên có khuyết điểm không thực hiện đúng nhắc nhở của các thầy hướng dẫn và của Hội đồng chấm luận án về việc trích dẫn trong luận án.

Sau khi lập Tổ xác minh tố cáo, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán thành lập Hội đồng xác minh luận án tiến của ông Nguyễn Cảnh Lương. Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán đã kết luận: “Mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác nhưng có những chỗ tác giả đã sao chép lập luận trong luận án của ông Khải. Đây là điều đáng phải tránh hoặc tại những chỗ như vậy phải viết thật rõ sự giống nhau về lập luận trong trình bày luận án”. Đồng thời: “Tuy có những thiếu sót đã nêu, những sai phạm trong trình bày ở luận án chưa đến mức đặt vấn đề xem xét, thu hồi học vị tiến sĩ hoặc miễn nhiệm chức danh phó giáo sư của tác giả luận án”.

Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán cũng khẳng định: “Theo thông lệ quốc tế, nếu một chứng minh nào đó có thể thực hiện bằng cách lặp lại từng chữ chứng minh của người khác, thì tác giả cần nói rõ điều đó, mặc dù có thể viết vào luận án để chứng tỏ kiến thức của mình và làm dễ dàng cho người đọc. Nguyễn Cảnh Lương đã có thiếu sót là không nói rõ như vậy trong luận án. Khuyết điểm này được xem là thiếu sót về phương pháp trích dẫn, đặc biệt là khi đã được nhắc nhở. Tuy nhiên không có cơ sở để kết luận tác giả luận án thiếu trung thực, nhất là khi xét trong bối cảnh những năm 1995-1996. Với quy trình chặt chẽ như hiện nay (xem xét, có chữ ký của Chủ tịch hội đồng và các phản biện ở cấp cơ sở về sửa chữa luận án trước khi bảo vệ chính thức) thì những thiếu sót kể trên khó xảy ra”.

Qua các xác minh, Bộ GD&ĐT kết luận: “Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có nhiều đoạn sao chép lập luận trong luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải (mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác) nhưng không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định. Hành vi của ông Lương vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu”. Và: “Hội đồng chấm luận án, PGS-TS Đặng Văn Khải đều đã biết luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng lập luận trong luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải nhưng chỉ lưu ý việc trích dẫn và vẫn đánh giá tốt về giá trị luận án. Vì vậy, không đủ cơ sở để kết luận ông Nguyễn Cảnh Lương không trung thực”.

Bộ GD&ĐT cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nêu trên của ông Nguyễn Cảnh Lương trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, Bộ đề nghị Đảng ủy Khối các trường ĐH CĐ Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nêu trên của ông Lương trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để có biện pháp xử lý phù hợp.

Q.DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm