Lũ ở Bình Định làm 2 người chết, mất tích

Trưa 1-12, ông Huỳnh Phước Phi, Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết các lực lượng cứu nạn đang tiếp tục tìm kiếm cháu Trần Thị Lệ Thủy (15 tuổi, học sinh lớp 8, ngụ thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) bị lũ cuốn mất tích trên sông Kôn.

Trước đó, chiều 30-11, trong lúc đi qua cầu Phú Phong cũ bắc qua sông Kôn, do cầu không có lan can nên cháu Thủy bị trượt chân rơi xuống sông khi nước lũ đang đổ về.

Cũng theo ông Phi, hiện trên địa bàn huyện Tây Sơn đang có mưa rất lớn, lũ trên sông Kôn dâng rất cao nên việc tìm kiếm cháu Thủy hết sức khó khăn.

lũ lên trên sông Kôn

Lũ đang lên nhanh, dâng cao trên sông Kôn đoạn qua thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định). Ảnh: VŨ LÃO BÁ

Trao đổi với PV, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định), cho biết sáng nay (1-12) nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống mạnh, gây ngập sâu hơn nhiều địa phương ở huyện này.

Trong đó, ngập nặng nhất là xã An Hòa, nhiều ngôi nhà bị ngập hơn 1 m. Trong lúc đắp bờ ngăn nước cho ao cá trong vườn nhà, anh Phan Hồng Kiệt (32 tuổi, ngụ thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa) bị trượt chân rơi xuống ao, tử nạn. Ngoài ra, hai phụ nữ ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa bị thương do trượt ngã khi đang dọn đồ chạy lũ.

Lũ gây cô lập nhiều khu dân cư ở Bình Định. Ảnh: ĐẮC PHỤNG

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến trưa 1-12, lũ trên nhiều sông trên địa bàn tỉnh này đã trên báo động II, một số sông ở mức báo động III.

Hiện hồ Định Bình - hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định - đang xả nước về hạ lưu với lưu lượng 750 m3/giây; đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ.

Ở nhiều vùng hạ lưu, nước lũ đang tiếp tục lên nhanh, dâng cao. Thống kê ban đầu từ các địa phương ở Bình Định cho biết hiện đã có hơn 2.000 ngôi nhà tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn bị ngập, hàng chục khu dân cư bị cô lập.

Ngoài ra, lũ cũng làm ngập nhiều tuyến giao thông trọng yếu, gây chia cắt nhiều địa phương. Thiệt hại nặng nhất là nước đã gây ngập úng hàng ngàn hecta lúa vừa gieo sạ, lúa chưa thu hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm