Lũ miền Trung đặc biệt lớn, sát mức thảm họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông hoạt động mạnh, từ trưa 5-11 đến hết ngày 8-11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to. Đến chiều tối 5-11, nước sông ở các tỉnh nêu trên đã phổ biến ở mức báo động 3 và trên mức báo động 3 (mức báo động 4 là vỡ đê điều, hồ đập, không kiểm soát được…). Mực nước các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục lên.

Mưa to, lũ lớn kèm sạt lở, nguy cơ sạt lở đất đá ở miền núi. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3; riêng Quảng Nam, Quảng Ngãi: cấp 4 (cấp 5 là thảm họa).

Chiều tối cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp khẩn ứng phó mưa lũ sau bão số 12.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết: Với lượng mưa lớn đang diễn ra, lũ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đang lên rất nhanh, có nơi trên báo động 3 1-1,5 m (sông Bồ, sông Hương ở Thừa Thiên-Huế; sông Thu Bồn ở Quảng Nam; các sông ở Quảng Ngãi).

Trưa 5-11, lũ lên nhanh tại các sông, suối ở Thừa Thiên-Huế trên mức báo động 3. Trong ảnh: Người dân khu vực thấp trũng huyện Quảng Điền di chuyển đến các nhà cao tầng trú ngụ. Ảnh: NGUYỄN DO

TP Đà Nẵng sáng nay khai mạc APEC 2017 nhưng từ ngày 5-11, lũ đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở huyện Hòa Vang và các địa phương khác. Trong ảnh: Người dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) tất tả chạy lũ. Ảnh: TÂM AN

Nhiều địa phương ở Quảng Nam ngập sâu. Trưa cùng ngày, hai người chạy xe máy ở huyện Phước Sơn bị núi lở vùi lấp. Trong ảnh: Đi xuồng trong phố cổ Hội An (ảnh cắt từ clip).

Lũ trên các sông ở Quảng Ngãi lên nhanh gây ngập sâu. Trưa 5-11, ở huyện Trà Bồng, một tảng đá rơi từ trên núi đè sập nhà dân, làm hai người chết, một người bị thương.  Trong ảnh: Nhiều tuyến đường trung tâm TP Quảng Ngãi bị ngập. Ảnh: VQC

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, lũ các sông đều lên rất cao. “Trên sông Hương lũ đã trên báo động 3 hơn 1 m. Theo quy trình vận hành liên hồ là giao cho chủ tịch UBND các tỉnh vận hành xả lũ, còn trong tình huống khẩn cấp thì giao trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai vận hành”. Ông Hoài yêu cầu các địa phương cần tính toán cho học sinh nghỉ học vì các em dễ bị rủi ro nhất trong mưa lũ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, lượng nước về lưu vực sông Hương đã lên tới hơn 1 tỉ m3. “Các hồ đã tích trữ được 500 triệu m3, còn 500 triệu m3 phải xả, tức là chỉ trữ được 50% lượng nước lũ về. Trong những ngày tới mưa tiếp tục thì phải xả với mức cao hơn… Vì vậy phải tính đến các kịch bản xấu để chủ động di dân, đặc biệt là trong tình huống các hồ chứa thượng nguồn phải xả nguyên lượng nước đổ về. Đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chuyển lực lượng sang Thừa Thiên-Huế để hỗ trợ bà con” - ông Thắng nêu.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa: hồ, sông, vùng trũng đầy nước trên toàn lưu vực. Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề, giờ các tỉnh tiếp tục phải đối mặt với những đợt mưa đặc biệt lớn và lũ đặc biệt lớn; các sông cận mốc lịch sử 1997, ẩn chứa thảm họa nên phải tính đến kịch bản xấu nhất... Các cơ quan quản lý, chủ hồ liên tục có số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa. Chủ tịch UBND tỉnh khi đưa ra các quyết đáp vận hành phải căn cứ vào thực tiễn, lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý”.

Bộ trưởng chỉ đạo thành lập ba đoàn công tác vào ngay các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam để trực tiếp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Bão số 12 làm 49 người chết, mất tích

Theo thống kê ban đầu, bão số 12 làm 27 người thiệt mạng và 22 người mất tích; làm hàng chục ngàn ngôi nhà sập, tốc mái. Các địa phương đang tiếp tục khắc phục hậu quả bão.

• Tại Bình Định: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lập trạm tiền phương tại Quy Nhơn, điều 10 tàu cứu hộ để tìm kiếm 24 thuyền viên mất tích do chín tàu hàng bị chìm khi bão số 12 đi qua.

• Tỉnh Phú Yên yêu cầu các lực lượng vũ trang, thanh niên các địa phương giúp người dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống. Các ngành giao thông, nông nghiệp, công thương ưu tiên khắc phục hạ tầng để khôi phục sản xuất. Hiện đường sắt qua đèo Cả bị ách tắc do sạt lở, khách đi tàu được trung chuyển từ Phú Yên đến Khánh Hòa và ngược lại.

• Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu toàn bộ lực lượng các sở, ngành xuống địa phương hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn, đưa người dân có nhà hư hỏng, sập về nơi ở an toàn, đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho bà con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm