Lũ dữ cuối năm: Miền Trung điêu đứng!

Chiều tối 16-12, lũ trên hầu hết sông ở tỉnh Bình Định đang tiếp tục lên rất nhanh, trên mức báo động 3. Riêng lũ sông Kôn dưới lũ lịch sử năm 2013 chỉ 0,1 m. Bình Định lại có thêm sáu người chết, năm người mất tích, hơn 70.800 ngôi nhà bị ngập, gần 5.000 hộ phải sơ tán. Trong đó, nặng nhất là huyện Tuy Phước có đến hơn 27.500 ngôi nhà bị ngập, gần 1.000 hộ dân phải sơ tán tránh lũ.

Bình Định: Hơn 90 xã cần tiếp tế

Từ 2 giờ sáng 16-12, gia đình chị Trần Thị Thanh Tuyền, khu vực Kim Châu, phường Bình Định, thị xã An Nhơn tất bật kê dọn đồ đạc trong nhà để tránh nước. Chị cho hay: “Gà đưa lên chuồng cao hơn, lúa giống cho lên ghế kê lên giường, đồ điện thì cho lên bàn… Cả đêm qua, mọi người chẳng ai chợp mắt, ai cũng thức dọn dẹp xuyên đêm”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tình trạng lũ dâng cao, gây ngập nặng xảy ra ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Toàn tỉnh đã có hơn 90 xã bị cô lập, người dân không thể di chuyển ra ngoài. Địa phương huy động nhiều lực lượng, tổ chức đi thuyền đến tiếp tế lương thực, mì ăn liền, nước uống… cho người dân đang bị lũ cô lập.

 

Lực lượng thanh niên xung kích xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) đưa người dân đi tránh lũ. Ảnh: DC

Đèo Cả: Tắc đường nghiêm trọng

Tối 16-12, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết đường sắt Bắc-Nam đoạn Lương Sơn - Phong Thạnh ở phía bắc TP Nha Trang, Khánh Hòa đã thông tuyến. Hàng chục đoàn tàu nằm chờ tại các ga đã chuyển bánh sau khi lực lượng chức năng khắc phục sự cố đường ray bị lũ cuốn.

Trước đó, nước mưa từ trên núi đổ xuống rất lớn cuốn trôi gần hết nền của rất nhiều đoạn đường sắt các đoạn ở phía bắc đèo Cả, thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên… Nhiều đoạn hai đường ray bị treo lên cao, bên dưới lũ chảy mạnh.

Chiều 16-12, quốc lộ 1 đoạn qua đèo Cả thuộc tỉnh Phú Yên mới tạm thông xe trở lại sau nhiều tiếng đồng hồ bị tê liệt, ách tắc vì cả ngàn khối đất đá từ trên núi đổ xuống, chắn lấp hết mặt đường. Trước đó, ô tô phải cắn đuôi nằm chờ kéo dài hàng chục cây số trên quốc lộ 1 và quốc lộ 29. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã mở cửa hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã vừa xây dựng xong, điều tiết cho xe lưu thông qua hầm để giải phóng bớt lượng xe.

Đoạn đường qua đèo Cả bị sạt lở, ách tắc giao thông nghiêm trọng. Ảnh: TL

Toàn phố cổ Hội An ngập sâu

Tại Quảng Nam, nhiều xã của huyện Đại Lộc như Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại An, Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Hưng… bị nước lũ bủa vây, có nơi ngập sâu 1,5-2 m khiến hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ. Nước lũ chia cắt tuyến đường ĐT609 tại thị trấn Ái Nghĩa.

Một số xã nằm ven sông Thu Bồn như xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Tiến cũng bị nước ngập chia cắt cục bộ.

Tại thị xã Điện Bàn, tuyến đường TL610B dẫn lên các xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung thuộc khu vực Gò Nổi đã bị nước lũ chia cắt từ ngày 15-12.

Toàn bộ phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ sau liên tục hai ngày mưa không ngớt. Sông Hoài nước lên nhanh và chảy xiết. Các bến đò tạm mọc lên xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và du khách bị cô lập. Chợ Hội An hoàn toàn đóng cửa.

Để đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân và du khách tham quan phố cổ trong mùa lũ, thành phố đã ban hành lệnh cấm người dân chèo thuyền chở khách tham quan trong khu vực nguy hiểm.

Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về Ninh Thuận. Ảnh: TVT

Lũ dữ cuồn cuộn đổ về Ninh Thuận

Cũng trong chiều 16-12, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Lũ lớn lên cao và nhanh, dòng nước chảy xiết. Tỉnh Ninh Thuận cho di dời khoảng 100 hộ dân ở huyện Ninh Hải đến nơi an toàn do dự báo sẽ tiếp tục mưa lớn. Hiện lũ trên sông Cái Phan Rang ở mức báo động 1 và sông Lu ở mức báo động 2. Dung tích của 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 99,6%, hiện có 19/20 hồ xả lũ với lưu lượng 18-89 m3/giây.

Tại Phú Yên, lũ đang cô lập hàng chục xã thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An, thị xã Sông Cầu. Hầu hết tuyến giao thông trọng yếu của các địa phương này đều bị ngập sâu trong nước. Hơn 3.000 hộ ở các địa phương đã sơ tán đi tránh lũ…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Phó Thủ tướng chỉ đạo cứu nạn, cứu trợ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùngđoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đến Bình Định chỉ đạo ứng cứu lũ lụt. Đoàn thăm hỏi, động viên một số gia đình bị thiệt hại nặng nề ở huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn.

Tính đến sáng 16-12, Bình Định phải oằn mình chống chọi với bốn đợt mưa lũ kéo dài nhiều ngày, gây hậu quả vô cùng nặng nề...

• Chiều 16-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 5,5 tỉ đồng cho tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đơn vị này nêu rõ sẽ tập trung hỗ trợ các gia đình có người bị chết, mất tích: 5 triệu đồng/người; người bị thương nặng 3 triệu đồng/người. Các gia đình có nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh nói trên cũng được hỗ trợ.

THU HÀ - CHÂN LUẬN

Công an “đạp lũ” chở bà bầu đi đẻ

Khoảng 8 giờ sáng 16-12, chị Vũ Thị Việt Trinh đang ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam chuyển dạ. Người nhà hốt hoảng vì vùng rốn lũ Đại Lộc lên nhanh nên vội vàng chuyển chị Trinh tới trạm y tế xã. Ở đây, cán bộ y tế xã cho biết việc sinh hạ cháu bé tại xã là rất khó nên chị cần được chuyển gấp tới BV Đa khoa phía bắc Quảng Nam.

Lúc này nước sông khu vực thị trấn Ái Nghĩa rất lớn và nhiều chỗ xoáy hun hút nên không thể dùng ghe nhỏ để vận chuyển. Nghe tin báo từ người dân, Công an huyện Đại Lộc đã lập tức cử cán bộ, chiến sĩ dùng canô tăng tốc tới chỗ chị Trinh, đưa chị vượt lũ lên đường chính. Sau khi qua bên kia bờ, Công an huyện Đại Lộc tiếp tục điều ô tô chở sản phụ này tới bệnh viện để thực hiện ca sinh nở.

Trung tá Lê Nho Tâm, Trưởng Công an huyện Đại Lộc, cho hay đây là một việc làm bình thường và rất nên làm của lực lượng công an vì nhân dân hết lòng phục vụ. Đặc biệt là trong tình cảnh người dân đang chống chọi với lũ lụt.

HUY TRƯỜNG

Cụ ông 73 tuổi lao xuống dòng lũ dữ cứu nữ sinh

Người dân xã Thủy Thanh (Huế) vẫn đang hết sức khâm phục sự dũng cảm của một cụ ông đã cứu thành công nữ sinh viên trường y không may bị nước cuốn trôi.

Theo đó, vào tối 15-12, nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng (19 tuổi, sinh viên Trường CĐ Y Huế) trên đường đi học về nhà do bất cẩn nên bị ngã. Nước lũ chảy xiết cuốn Hằng trôi xuống sông Như Ý.

Lúc này, cụ Nguyễn Thanh Phước (73 tuổi, trú xã Thủy Thanh) phát hiện Hằng chới với giữa dòng lũ. Bất chấp nguy hiểm, cụ Phước đã lao mình xuống dòng nước lũ chảy xiết để cứu Hằng.

Sau khoảng 30 phút vật lộn với dòng lũ dữ, cụ Phước đã tiếp cận được Hằng và đưa nữ sinh viên này vào bờ. Tuy nhiên, khi lên gần đến bờ, do yếu sức nên cụ Phước khụy xuống phải bấu víu lấy cây cỏ bên vệ sông để chống chọi lại với cơn lũ. Rất may đúng lúc này có một người dân địa phương phát hiện nên đã kịp tới trợ giúp dìu cụ Phước với em Hằng vào bờ an toàn.

NGUYỄN DO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm