Lòng mẹ trước ngày thụ án

1. Chị là Lê Thị Duy Thanh, bị cáo trong vụ hủy hoại tài sản ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Chị và nhiều hộ dân khác đến khai hoang đất từ những năm 1980 để mưu sinh. Cuối tháng 8-2011, khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú phối hợp với địa phương đến trồng rừng trên mảnh đất này thì cả trăm người dân kéo đến ngăn cản. Bởi theo họ, đây là đất mà họ đã khai hoang và canh tác từ lâu, giờ bỗng dưng bị mất trắng. Trước đó, họ đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Quá bức xúc vì bị mất đất, họ kéo nhau đến ngăn cản không cho trồng cây nên 11 người, trong đó có chị Thanh, bị khởi tố về tội hủy hoại tài sản.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Hàm Thuận Bắc phạt chị ba năm tù, những người còn lại bị mức án cũng gần gần như thế. Trong thời gian tại ngoại, chị chạy khắp nơi để kêu oan.

2. Hôm TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm, chị Thanh ăn mặc rất tươm tất, đến tòa cùng chồng và đứa con trai út mới năm tuổi. Chị tự tin bước vào phòng xử với xấp hồ sơ đựng trong chiếc túi. Khi tòa xử, chị nộp cho tòa những chứng cứ cho thấy lúc xảy ra vụ việc chị không có mặt ở đó mà là đang đến ủy ban để làm hồ sơ nhập học cho thằng út. Sau đó, chị mới đến nơi công nhân nông trường đang trồng cây trên đất nhà mình và cả của hàng xóm. “Bị cáo thấy việc làm của địa phương trái pháp luật nên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bị cáo mới đến xem và chụp ảnh để làm chứng cứ đi kiện” - chị nói trước tòa.

Lòng mẹ trước ngày thụ án ảnh 1

Tinh thần chị suy sụp hẳn sau khi nhận giấy đi thi hành án. Ảnh: NGÂN NGA

Lòng mẹ trước ngày thụ án ảnh 2

Trong căn nhà dột nát, tài sản duy nhất của chị Thanh là những đứa con học hành chăm chỉ. Ảnh: NGÂN NGA

Nhưng rồi tòa nhận định: “Tại các bút lục có ghi: Thanh nói với mọi người cứ nhổ (cây), ở tù Thanh lo, nếu không làm vậy họ không trả đất. Các bị cáo khác đồng loạt thay đổi lời khai rằng bị cáo Thanh không xúi giục nhưng lại không cung cấp được chứng cứ. Bị cáo Thanh nộp cho tòa những bản phôtô không có chứng thực nên không thể xem đó là chứng cứ”. Từ đó, tòa tuyên y án sơ thẩm đối với chị.

Nghe tòa tuyên án xong, chị Thanh vẫn mỉm cười lạc quan: “Có gì mà phải buồn, vẫn còn giám đốc thẩm mà”…

3. Nửa tháng sau, tình cờ tôi gặp lại chị tại Văn phòng Luật sư vì người nghèo ở TP.HCM. Chị bảo mình vừa nhận được giấy triệu tập phải đi thi hành án nên chị tranh thủ vào thăm hai đứa con đang học ĐH. Trái với lần gặp trước, lần này tinh thần chị suy sụp hẳn. Chị nói rồi đây bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học sẽ ra sao, một mình chồng chị liệu có lo nổi… “Chỉ sợ khi các con ra trường sẽ khó xin việc làm vì lý lịch không tốt của mẹ để lại. Mới đây, đứa lớn lại xin mẹ tạm gác việc học để đi làm phụ cha nuôi các em. Tôi như đứt từng khúc ruột nhưng phải tỏ ra cứng rắn khuyên con rằng ráng bươn chải để học hành chứ đừng suy sụp” - chị nói trong nước mắt. Với đứa kề út sắp thi học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh, chị nói: “11 năm con đều là học sinh giỏi, đừng vì chuyện của mẹ mà làm hỏng cả tương lai nghe con!”…

Chị kể trong cái nghèo và tù tội bủa vây, chị từng nghĩ dại sẽ mua xăng về tự vẫn. “Nhưng mình chết đi thì ai lo cho các con?!”. Và rồi chị gạt nước mắt từ biệt chồng con để đi thụ án, hy vọng sẽ sớm được trở về để cùng chồng bươn chải nuôi con ăn học thành người.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm