Long An hướng dẫn thực hiện phương châm 'ai ở đâu ở yên đó'

Nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trước ngày 1-9, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP và các đơn vị thực hiện các nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện Công văn số 8148 ngày 15-8 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ 0 giờ ngày 23-8 đến hết ngày 30-8, triển khai thực hiện thêm một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

Thiết lập các trạm, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID–19 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2727 ngày 19-8 của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người; gia đình cách ly với gia đình; xóm, ấp, khu phố cách ly với xóm, ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố cách ly với huyện, thị xã, TP; kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm “ai ở đâu ở yên đó”.

Các trạm, chốt kiểm soát chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông trên đường theo nguyên tắc trên. Trường hợp đặc biệt thì phải có Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm 2, mục II của Kế hoạch số 2727. Cụ thể gồm: Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Thành viên Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật; Nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; Nông dân thu hoạch nông sản.

Long An hướng dẫn thực hiện phương châm 'ai ở đâu ở yên đó' ảnh 1
UBND tỉnh Long An đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An. Ảnh: ĐT.

Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Long An triển khai phương thức làm việc tại nhà đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Riêng thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch và lực lượng giải quyết các công việc khẩn cấp thì bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị theo phương châm 3 tại chỗ. Tối đa không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.

Giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Long An triển khai phân công, bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt cho số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phân công làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị. Đồng thời, bố trí phương tiện đảm bảo phục vụ số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị khi đi công tác ngoài cơ quan, đơn vị, hạn chế tối đa việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Đối với một số ngành đặc thù (như công an, quân sự, y tế...), giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định, đảm bảo nguyên tắc lực lượng được phân công làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị phải thực hiện theo phương châm 3 tại chỗ và bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt cho lực lượng này.

Đối với các địa phương thuộc vùng đỏ như: Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An: Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm xác định chính xác các địa bàn cấp xã thuộc vùng đỏ để triển khai thiết lập phong tỏa triệt để.

Khi phong tỏa phải đảm bảo: Nắm chắc được số lượng người dân trên địa bàn; Lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách.

Lực lượng y tế đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân. Huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn (kể cả Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể) để hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa theo phương án, kế hoạch đề ra, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, không được chăm sóc y tế khi cần thiết, không được hỗ trợ kịp thời khi có nhu cầu.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có phương án đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp, hiệu quả khác.

Phối hợp với Sở Y tế đảm bảo nhu cầu chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân theo mô hình Trạm Y tế lưu động.

Thiết lập hệ thống đường dây nóng cung cấp cho tất cả các hộ dân trong khu vực nắm để liên hệ hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời tổ chức lực lượng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin, đề nghị hỗ trợ của người dân trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm