Lời tâm sự xúc động của anh lính phòng cháy chữa cháy

Trung úy Nguyễn An Ninh, công tác tại Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Thủ Đức, được Ban chỉ huy Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đánh giá là chiến sĩ trẻ, giỏi nghiệp vụ, xông xáo trong công việc. Trung úy Ninh còn nổi bật trong công tác huấn luyện nghiệp vụ cho chiến sĩ mới, được đồng đội yêu quý.

Trò chuyện với Trung úy Ninh, chúng tôi thấy ở anh sự nhiệt huyết, chuyên nghiệp với công việc mà mình đã lựa chọn và gắn bó.

Trung úy Nguyễn An Ninh, Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: TỰ SANG

Vui vì cứu được người gặp nạn kịp thời

Phóng viên: Điều gì khiến anh có thể tự hào nhất trong bảy năm tham gia lực lượng PCCC&CNCH?

+ Trung úy Nguyễn An Ninh: Trong hai năm trở lại đây, tôi và đồng đội đã tham gia cứu hộ, cứu nạn rất nhiều vụ việc. Có những vụ chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã kịp thời cứu được người gặp nạn.

Chẳng hạn như vụ công nhân ngạt khí dưới cống trên đường Song Hành xa lộ Hà Nội, đoạn gần ngã tư Bình Thái vào tháng 3-2020. Khi nhận thông tin, đội của tôi ngay lập tức đến hiện trường. Nhờ đánh giá trước được tình hình nên khi tới nơi, tôi lập tức mang đồ bảo hộ, xuống cống đeo đai lưng cho nạn nhân để mọi người ở trên kéo lên rồi đưa vào bệnh viện.

Nạn nhân sau đó được cấp cứu kịp thời và sức khỏe ổn định lại. Một trong những yếu tố đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân này là thời gian tiếp cận hiện trường, đưa nạn nhân lên và cấp cứu rất nhanh.

Dày dặn kinh nghiệm chữa cháy

Ngoài nghiệp vụ tốt, tham gia huấn luyện cho chiến sĩ trẻ mới vào thì Trung úy Nguyễn An Ninh còn là một trinh sát lửa nhanh nhẹn, được Ban chỉ huy Công an TP Thủ Đức đánh giá cao.

Đây cũng là lực lượng có kinh nghiệm dày dặn, đánh giá được mức độ phức tạp của vụ cháy, thường chỉ cần nhìn lửa có thể biết được chất gây cháy là gì để thực hiện các biện pháp dập lửa phù hợp.

Thiếu tá PHẠM VĂN THUẬN,
Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Thủ Đức
 

. Anh có thể cho biết những vụ việc như thế nào được gọi là mang tính chất đối kháng, chiến sĩ PCCC cần chuẩn bị tinh thần đối đầu, trang thiết bị phòng thân ra sao?

+ Những vụ liên quan đến người ngáo đá thường rất nguy hiểm, bởi họ luôn dùng hung khí, cố thủ tại nơi cao như mái nhà, cột điện và đặc biệt họ không làm chủ được bản thân, ảo giác.

Trong trường hợp đó, các chiến sĩ PCCC phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bảo vệ người dân xung quanh và cả bản thân mình. Do đó, điều đầu tiên là phải sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và mỗi chiến sĩ cần chuẩn bị tấm chắn, gậy chuyên dụng, bao tay dày để khi tước hung khí sẽ không bị sát thương. Đặc biệt, phải thuần thục các kỹ năng trấn áp, tước hung khí bởi thời gian tiếp cận nạn nhân chỉ 3-5 giây, nếu lâu hơn thì họ vùng vẫy và dễ gây sát thương cho cả hai bên.

Trung úy Nguyễn An Ninh cùng đồng đội đang thực tập phương án PCCC&CNCH tại trung tâm thương mại Giga Mall. Ảnh: TỰ SANG

Điển hình, năm 2020 khi đang trực tại đơn vị, tôi và đồng đội nhận được tin báo có người ngáo đá cầm hung khí là hai con dao, cố thủ trên nóc nhà tại phường Tăng Nhơn Phú A. Chưa đầy 12 phút, đội đã điều khiển xe thang chuyên dụng đến hiện trường và lên phương án vận động người ngáo đá leo xuống. Qua hai giờ đồng hồ thuyết phục, người này vẫn không hợp tác và cầm dao huơ qua huơ lại, có nguy cơ tự gây thương tích cho bản thân. Chúng tôi phải thường xuyên trấn an tâm lý, đưa nước lên cho uống để đảm bảo sức khỏe.

Sau đó, chúng tôi xin lệnh trấn áp từ cấp trên rồi chia làm hai nhóm để tiếp cận. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng PCCC thì người ngáo đá lại đồng ý leo lên xe thang để xuống.

Cứ nghĩ mọi chuyện đã ổn nhưng khi xe thang vừa hạ xuống mặt đất, người này vẫn cầm hai con dao trên hai tay nhảy xuống, bỏ chạy ra đường Lê Văn Việt khiến nhiều người hoảng sợ. Trước tình hình nguy cấp đó, tôi cùng một dân quân lấy xe máy đuổi theo, tiếp cận dùng gậy chuyên dụng tước dao, khống chế rồi cùng công an phường đưa người này về trụ sở.

Trung úy Nguyễn An Ninh đang tham gia chữa cháy tại một khu nhà trọ ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức. Ảnh: TỰ SANG

Thương tâm và đau xót lắm!

. Trong bảy năm tham gia lực lượng PCCC, vụ việc nào khiến anh thấy bất lực, đau xót và ghi nhớ nhất?

+ Thương tâm, đau xót lắm anh ơi, đó là vụ cháy nhà hôm 27 tết năm 2020. Từ khi nhận tin đến khi anh em có mặt tại hiện trường chỉ khoảng 10 phút nhưng trước mắt chúng tôi là hiện trường căn nhà đã cháy tan hoang.

Tôi còn nhớ như in, hiện trường vụ cháy là con hẻm sâu, anh em chạy bộ vào rất mệt nhưng tôi được người dân chở vào nên tiếp cận đầu tiên. Khi vào thì thấy căn nhà cháy hết rồi, nghe người dân nói nhà này có năm người. Với kinh nghiệm của mình, xác định nếu có người thì rất khó thoát được nên tôi cùng đồng đội quyết tâm bằng mọi giá phải dập lửa và tìm kiếm người bên trong nhanh nhất có thể.

Khi vào nhà thấy thương tâm, tang thương lắm, mới vào đã thấy giữa nhà có một người nằm, trong phòng thêm một người nữa, ba người khác thì nằm chồng lên nhau tại khu vực nhà bếp.

Chính tôi đã đỡ từng người trong đống đổ nát lên để xác định số người chết. Đến nạn nhân thứ ba, tôi phải dùng tay cào bươi đất, tro và bụi lên và phải chạm trực tiếp bằng tay trần để xác định da thịt cháy của người hay vật dụng cháy. Dù rất cố gắng và làm nhanh nhất với hy vọng họ còn cứu được nhưng cả năm nạn nhân đều không qua khỏi. Họ đều là người thân trong cùng một gia đình, đau xót lắm. Lâu lâu đi ngang hiện trường hay vô tình nghe bạn bè nhắc lại, tôi vẫn thấy đau xót…

. Trên địa bàn TP Thủ Đức hiện có rất nhiều kênh rạch, rất nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra, anh có đưa ra khuyến cáo gì để bảo vệ trẻ em?

+ Cuối tháng 2-2020, nhận tin hai bé trai học lớp 6 đi câu cá trong Khu công nghệ cao gặp nạn, té xuống kênh, chúng tôi lập tức có mặt tìm kiếm. Khi tìm được thi thể cháu bé đầu tiên và đang đưa lên bờ thì cha của cháu chạy đến, lao xuống kênh ôm con mình khóc. Lúc đó mọi người không ai cầm được nước mắt, cảnh tượng rất thương tâm. Chúng tôi cũng đau đớn tột cùng trong sự bất lực...

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp đuối nước thương tâm đã xảy ra thời gian qua. Qua đây, tôi mong muốn các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương luôn nhắc nhở, quan tâm và chú ý hơn đến con em mình, tránh những trường hợp đau xót khác xảy ra.

Nhiều vụ cháy lớn là do dân sợ báo cảnh sát PCCC sẽ tốn tiền

Thiếu tá Phạm Văn Thuận, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Thủ Đức, cho biết hiện người dân vẫn còn suy nghĩ khi lực lượng và xe chữa cháy đến là phải tốn tiền nên ngại báo tin cháy từ sớm. Do đó, khi lửa lớn người dân mới báo thì hậu quả đã xảy ra. “Chính điều này đã dẫn đến những vụ cháy lớn, cháy lan và gây thiệt hại cho người dân” - Thiếu tá Thuận nói.

Dẫn chứng, Thiếu tá Thuận cho hay năm 2020, khi đang chữa cháy tại cửa hàng sữa ở phường Thảo Điền, do lửa lớn đã lùa qua các nhà bên cạnh nên lực lượng cảnh sát PCCC đến kiểm tra mức độ ảnh hưởng thì chủ nhà lấy tiền ra đưa. Vị chủ nhà giải thích do nghĩ khi lực lượng cảnh sát PCCC đến thì phải tốn tiền.

Hay như năm 2019, người dân trong khi cúng xe đã gây cháy tại phường Phước Long B. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến thì lửa đã bùng lớn. Khi dập lửa xong, chủ nhà cầm tiền ra đưa cho lực lượng cũng với lời giải thích tương tự. “Thực tế thì người dân không phải tốn chi phí gì cả” - Thiếu tá Thuận khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm