'Lock down' toàn TP.HCM là thông tin sai sự thật, xuyên tạc

Sáng 14-7, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn TP.HCM (lock down) dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân đi mua sắm tích trữ hàng hóa.

Cùng với đó, mạng xã hội cũng lan truyền thông tin về lãnh đạo TP.HCM bị nhiễm COVID-19.

Về việc này, Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định những thông tin trên đều là sai sự thật, xuyên tạc. “Hiện nay lãnh đạo TP.HCM đang tập trung chủ động, quyết liệt xử lý các vấn đề nhằm tăng cường phòng chống dịch” – thông báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang xã hội.

Trước đó, trên mạng xã hội có tin đồn TP.HCM phong tỏa từ 0 giờ ngày 15-7, tất cả người dân cấm ra đường. Từ đó, dẫn đến việc sáng nay người dân đổ xô đi tích trữ thực phẩm tại các siêu thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết về 3 tình huống sẽ xảy ra sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, hôm qua ngày 13-7, tại họp báo về tình hình dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG LAN

Tại cuộc họp báo chiều 13-7, trả lời câu hỏi về việc sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ 16, TP.HCM sẽ tính toán như thế nào, Phó Bí thư Thành ủy Thường trực Phan Văn Mãi cho rằng sẽ có 3 tình huống xảy ra.

Tình huống thứ nhất là TP sẽ ngăn chặn kiểm soát được COVID-19 và tính đến việc thực hiện Chỉ thị 16 - hay 15, 19 tùy theo diễn biến của dịch vào lúc đó.

Tình huống thứ 2 là TP không kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, như vậy vẫn phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thậm chí tăng cường 16+ tại một số địa bàn.

Còn tình huống xấu nhất là tình huống thứ 3, dịch sẽ gia tăng mạnh mẽ, TP không kiểm soát được thì phải tính đến việc phong tỏa hay có biện pháp mạnh hơn để ứng phó tình hình.

Theo ông Mãi, TP.HCM đang nghiên cứu và sẽ có đề xuất với cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 có nghiên cứu đề xuất phù hợp với tình hình. Hiện còn sớm để nhận định tình hình dịch đã đạt đỉnh chưa vì mới thực hiện Chỉ thị 16, cần khoảng 2, 3 ngày có chuỗi số liệu ổn định thì mới phân tích được tình hình dịch sau khi thực hiện Chỉ thị 16.

Trước đó, hôm 8-7, UBND TP.HCM ra văn bản hướng dẫn về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 9-7-2021.

Theo đó, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ, làm việc tại các cơ sở thiết yếu; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại nội dung thứ 4 của văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá hai người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

TP cũng yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm