Loạn giá kít xét nghiệm COVID-19, 'tội cho dân lắm'

Hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kì họp thứ 2, Quốc hội khoa XV.

Cử tri trông chờ những thông điệp từ ông bởi hai năm qua, đâu đâu người ta cũng nhắc đến dịch COVID-19. COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, những hậu quả của nó mang đến cho con người thật ghê gớm. Và đương nhiên, ngành y tế sẽ tiên phong, chịu nhiều vất vả, hy sinh trên mặt trận chống dịch.

Nhưng cùng với sự hy sinh, vất vả đó, ngành y tế cũng phải đối mặt với những vấn đề không vui khi hàng loạt nhân sự cấp cao của ngành y, từ quản lý nhà nước, đến bệnh viện, doanh nghiệp dính sai phạm. Thôi thì những câu chuyện sai phạm đó đã có pháp luật xử lý. Câu chuyện mà người viết muốn đề cập đến là giá vật tư y tế, giá kít xét nghiệm COVID-19 “nhảy múa” suốt thời gian qua mà ở đó trách nhiệm của ngành y tế được xem là lớn nhất.

 Loạn giá kít xét nghiệm COVID-19, 'tội cho dân lắm' ảnh 1
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn ngày 10-11. Ảnh: QH

Về vấn đề này, với độ "nóng" của nó, được ĐBQH nêu ra ngay đầu phiên chất vấn.

ĐB Phạm Văn Hòa nêu tình trạng loạn giá xét nghiệm COVID-19, mỗi nơi một giá, có nơi 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm nhanh. Có lợi ích nhóm không? Tại sao có chuyện này xảy ra, trách nhiệm của bộ trưởng là gì?

Chất vấn của ĐB đến từ Đồng Tháp cũng là vấn đề báo chí, dư luận liên tục sục sôi trước kỳ họp QH. Mỗi lần như vậy, Bộ Y tế lại cho biết đã phát ra công văn bản nhắc các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy định, tránh trục lợi... Nhưng có vẻ những chỉ đạo ấy vẫn chưa đủ làm dịu nỗi bức xúc của cử tri khi phải cạy cục xin giấy xét nghiệm âm tính với chi phí có lúc cả triệu đồng, trong khi đâu đó có tin giá vật tư, sinh phẩm đầu vào rẻ hơn nhiều.

Vậy nay, trước quốc dân đồng bào qua truyền hình, phát thanh trực tiếp từ phòng họp Quốc hội, tư lệnh ngành y tế giải trình thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thành Long giải thích: Sinh phẩm y tế không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá, nên có nhiều mức giá khác nhau giữa các hãng sản xuất, các công ty sản xuất, từng thời điểm. Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các cơ sở y tế đảm bảo không có tiêu cực, lợi ích nhóm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. 

Cũng theo Bộ trưởng, mới đây, Bộ đã ban hành Thông tư 16/2021 quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, kể từ ngày 10-11, test nhanh COVID-19 tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm, còn giá xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR tối đa là 518.400 đồng/xét nghiệm, bao gồm tính hết các chi phí giá cấu thành.

Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá do các cơ sở y tế thu thời gian qua. Có nơi giá mỗi lần test nhanh lên đến hơn 200.000 đồng, còn xét nghiệp PCR có giá hơn 700.000 đồng.

Giải pháp mới nhất là vậy, song tư lệnh ngành y tế cũng thừa nhận do quá bận chống dịch nên có địa phương thực hiện thu giá xét nghiệm chưa phù hợp.

Bộ trưởng ơi, sao lại lấy lý do bận chống dịch để giải thích cho chuyện loạn giá kít xét nghiệm? Bộ trưởng có biết tiềm ẩn sau loạn giá kít xét nghiệm ấy là những đồng tiền mà người dân dù gặp khó khăn, mất thu nhập do đại dịch, vẫn phải bỏ ra chỉ để làm điều kiện cho việc đi lại. Và cũng ẩn sau đấy là thấp thoáng bóng dáng những nhóm lợi ích sẵn sàng trục lợi bất chấp thiên tai, địch họa?

Đại dịch chưa có tiền lệ đã dẫn tới những thời điểm mà như không ít người nhận định là thảm họa y tế. Phòng chống dịch, khắc phục những hậu quả mà nó gây ra thì đương nhiên bận. Không chỉ ngành y tế mà tất cả lực lượng tuyến đầu cũng bận.

Nhưng không thể lấy lý do bận để giải thích cho tình trạng loạn giá kít xét nghiệm, việc mà ĐB Phạm Văn Hòa nhận định: "Giá vậy tội cho dân". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm