Lỗ hổng quản lý trong vụ Giang Kim Đạt

“Vụ Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin cố ý làm trái, tham ô tài sản hơn 18,6 triệu USD - NV) đích thân Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo phá án. Nhiều đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã truy tìm qua nhiều nước mới bắt được Đạt cho thấy quá trình tham ô trục lợi Đạt đã tính trước. Nhưng vì sao Đạt lại dễ dàng trục lợi số tiền lớn như vậy nếu không có sự hậu thuẫn hay sự quản lý lỏng lẻo của ban giám đốc công ty?”. Một lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM.

“Không thể rút kinh nghiệm là xong”

Một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng thời gian qua các tổng công ty, tập đoàn nhà nước để xảy ra sai phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng ngân sách. Dù trung ương đã quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, giám sát, thanh tra nhưng vẫn xảy ra tham ô, trục lợi. “Đây không phải là “bệnh” không chữa được. Nhưng muốn chữa phải đánh giá lại hệ thống thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các công ty nhà nước. Không thể để kéo dài tình trạng một trưởng phòng có thể trục lợi cả mấy trăm tỉ đồng. Đúng là siêu quyền lực!” - vị này nói.

Ông nêu thắc mắc trong vụ án Giang Kim Đạt và Vinashin, trách nhiệm thanh tra, kiểm soát của nhiều bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính... như thế nào mà để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy? Liệu có phải vì lợi ích một nhóm cục bộ nào đó mà việc phát hiện, phòng chống tham nhũng (PCTN) bị hạn chế? “Đây là lỗ hổng lớn và chừng nào việc thanh tra, giám sát “vẫn là hình thức” thì sai phạm ở công ty nhà nước sẽ khó kiểm soát được” - ông nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nhìn nhận một khi sai phạm xảy ra nhưng trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành liên quan không bị xem xét, làm rõ thì công tác PCTN là đáng báo động. Ông nói: “Không thể nghiêm khắc rút kinh nghiệm, nhận phê bình là xong. Nên chăng phải quy định rõ bộ, ngành nào để các công ty, đơn vị sự nghiệp nhà nước của mình xảy ra sai phạm thì người đứng đầu, phụ trách có liên quan phải bị xem xét xử lý hình sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe tội phạm kinh tế chức vụ”.

Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng của một công ty thuộc Vinashin trục lợi 400 tỉ đồng. (Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp)

“Nên tử hình, thu hồi toàn bộ tài sản”

Một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói Đạt chuyển dịch được số tài sản hàng triệu USD ra nước ngoài cho thấy việc kiểm tra tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời. Đây là kẽ hở cho tội phạm tham nhũng sinh sôi. Ngoài ra, việc chuyển tài sản ra nước ngoài, cho người thân, con cái của những người tham nhũng đứng tên cũng là hiện tượng cần đánh giá đầy đủ để có cơ chế giám sát, xử lý.

“Để truy tìm nguồn gốc tài sản, thu nhập bất minh cần phải quy định chặt chẽ hơn về kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ liên quan đến quản lý dự án. Trong thực tế việc quản lý DNNN dù có đơn vị giám sát độc lập nhưng vẫn chưa hiệu quả. Bởi vậy việc phát hiện kịp thời sai phạm là rất khó khăn” - vị này cho hay.

Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho rằng cần áp dụng mức án cao nhất đối với người phạm tội tham nhũng. Theo vị lãnh đạo này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đối với hai tội tham ô và nhận hối lộ cho người bị án tử được nộp tiền để chuyển từ tử hình xuống chung thân sẽ dẫn đến công tác PCTN càng khó khăn, thiếu tính răn đe. Điều này có thể dẫn đến việc nảy sinh tâm lý hy sinh đời bố củng cố đời con. Người tham ô nhận hối lộ nộp lại phần tiền bị phát hiện tham nhũng (chỉ là bề nổi), còn việc tẩu tán tài sản tham nhũng (tảng băng chìm) làm sao cơ quan chức năng phát hiện hết” - vị này nói.

Đồng tình, vị lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng nêu trên nhận định tội phạm về kinh tế chức vụ ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Đối với loại tội phạm này cần phải xử lý với khung hình phạt cao nhất, thu hồi hết tài sản tham nhũng để răn đe, khắc phục hậu quả.

Án tử hình với tội tham nhũng là cần thiết

Bộ Chính trị, Chính phủ kêu gọi PCTN bằng mọi biện pháp mạnh nhất, triệt để nhất thì việc nộp lại tiền để thoát án tử như dự thảo cần phải xem xét cẩn trọng, soi chiếu dưới góc độ hệ quả sâu xa và các quy định pháp luật về PCTN.

Việc sửa đổi luật mục đích cuối cùng là để hoàn thiện một xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Trong hoàn cảnh tham nhũng phức tạp như hiện nay, luật cần kiên quyết, cụ thể hóa các hành vi và biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả chứ không thể tạo điều kiện cho tham nhũng nảy nở. Giang Kim Đạt chỉ là trưởng phòng mà đã bỏ túi như vậy thì người chức vụ cao hơn còn tham ô lớn thế nào. Án tử hình với tội phạm tham nhũng là cần thiết. Bởi tội phạm tham nhũng là một tội ác gây ảnh hưởng đến niềm tin của dân vào hệ thống chính trị. Một đất nước tham nhũng không dẹp nổi thì nhân dân khổ, nền kinh tế kiệt quệ.

Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm