Liệu có một Formosa ở Hải Phòng?

Theo ghi nhận của PV, bãi chất thải gyps chứa khoảng 2,3 triệu tấn được đổ thành đống cao khoảng 30 m. Điều người dân lo lắng là có phóng xạ trong bãi thạch cao và chất phốt pho có trong quặng apatit, gyps là cực độc nên nếu không có biện pháp xử lý sẽ dẫn đến “khủng hoảng ô nhiễm như Formosa Hà Tĩnh”.

Ông Phan Huy Hoằng, Phó phòng Kỹ thuật công nghiệp DAP Đình Vũ, cho biết việc đổ tạm chất thải trên 10 ha đất này là đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN&MT phê duyệt. Sau khi đổ tạm khoảng 3-5 năm để tận thu acid và dưỡng chất P2O5 (lân), chất thải gyps được chuyển sang khu đầm 32 ha để san lấp. “Bên dưới bãi thải là đất sét và được lót màng HDPE chống thấm. Xung quanh bãi thải là rãnh (đều lót HDPE) thu gom nước thải. Nước chất acid này không ra môi trường được” - ông Hoằng nói.

Nhìn từ xa, bãi chứa chất thải gyps trông như quả núi. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

Ông Hoằng cũng khẳng định DAP Đình Vũ đã tuân theo ĐTM. “Bãi thải gyps nằm chình ình ngay đường là hình ảnh phản cảm nhưng nó vô hại với môi trường (?!). Hằng quý, chúng tôi đều có báo cáo giám sát môi trường. Mới nhất, báo cáo giám sát thực hiện vào tháng 5-2016 xác định các chỉ số chất lượng không khí bên trong khu vực bãi gyps và toàn nhà máy DAP đều an toàn, các mẫu thải rắn đều là chất thải thông thường... Trước đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cũng có kết quả kiểm xạ cho biết tại khu vực bãi thải gyps đảm bảo an toàn bức xạ cho công chúng” - ông Hoằng khẳng định.

Vì vậy những báo cáo của Sở TN&MT đã gây ảnh hưởng cho DAP Đình Vũ vì chưa có văn bản nào xác minh DAP Đình Vũ gây ô nhiễm môi trường mà chỉ là có nguy cơ gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, nói với Pháp Luật TP.HCM: “Việc DAP Đình Vũ gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Sở TN&MT đã báo cáo trong nhiều năm liền. Tôi cũng phát biểu trước HĐND TP, Quốc hội. Trong buổi họp trực tuyến ngày 24-8, Thủ tướng đã chỉ đạo phải làm rõ sự việc này”.

Ông Ka cũng khẳng định Nhà máy DAP Đình Vũ chắc chắn gây ô nhiễm. “Bãi chứa chất thải rộng 10 ha, sử dụng 3-5 năm nhưng nay đã lố ba năm và diện tích bãi thải đã vượt 3 ha. Lượng acid tồn dư trong hóa chất và kim loại đọng trong chất thải gyps cao, gây nguy cơ ô nhiễm. Mặc dù nhà máy đầu tư xây dựng bốn dây chuyền sản xuất thạch cao để tiêu thụ chất thải gyps nhưng chỉ có một dây chuyền vận hành với công suất không đáng kể” - ông Ka nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Ka còn cung cấp kết luận của Tổng cục Môi trường nêu một số sai phạm của DAP Đình Vũ về bảo vệ môi trường như đối với bãi gyps tạm, công ty này chưa thực hiện theo đúng ĐTM.

Nếu DAP Đình Vũ nâng công suất từ 150.000 tấn/năm lên 375.000 tấn/năm vào cuối năm nay như kế hoạch thì nhà máy sẽ thải 50.000 tấn gyps/tháng mới. Trong khi với 2,3 triệu tấn gyps hiện tại phải mất 3-5 năm mới xử lý xong.

Theo Sở TN&MT, từ khi chạy thử (tháng 4-2009) đến nay, DAP Đình Vũ xảy ra bốn sự cố môi trường. Đó là vụ rò rỉ khoảng 7 tấn acid sunfuric, rò rỉ khí amoniac, nước biển tràn qua đê vào hồ chứa nước thải làm chết cá của các hộ nuôi trồng thủy sản xung quanh và vụ 7 m³ chất thải gyps tràn xuống hồ chứa acid khiến bùn dung dịch gyps và acid tràn ra đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm