Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội):

Lì xì trẻ em để làm vui lòng... người lớn

Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi điều về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của việc mừng tuổi hay lì xì vào dịp tết?

+ Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Cái gọi là lì xì, âm Hán Việt gọi là lợi thủy, tức là tiền lãi ở chợ hoặc cầu cho đi chợ được lãi. Tiếng Quảng Đông phát âm ở trong lục tỉnh thành lì xì. Ở phía Bắc gọi là tiền mở hàng hoặc tiền phát vốn. Hàng, vốn, thủy đều liên quan đến mua bán, chợ búa. Cả hai miền đều có trường nghĩa như nhau. Ngày trước người ta đem số tiền ít ỏi đó dành cho con trẻ với tâm lý là khi mình mở lòng với người khác, đặc biệt là con trẻ sẽ mua may bán đắt, vì con trẻ vô tư, hồn nhiên, dễ dàng. Phát như vậy coi như phát vốn, như đi chùa đi chiền, tiền đó đem lại may mắn cho người phát lộc phát tiền. Các miền Bắc, Trung, Nam đều có ý giống nhau nhưng cách gọi tên khác đi. Còn tiền gọi là mừng tuổi, trước đây chỉ là người dưới mừng cho người trên thôi, không phải trên mừng cho dưới nhưng bây giờ cũng gọi tiền lì xì là mừng tuổi. Cái gì cũng chuyển nghĩa đi, điều đó không sao cả. Trước đây mừng tuổi là mừng thọ, con cháu mừng cho ông bà sang năm được khỏe mạnh.

 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

. Ông có thể kể ra một số biểu hiện của sự thái quá, lạm dụng không, thưa ông?

+ Về tổng quan có thể hiểu là có những người mừng tuổi cho trẻ em nhưng không phải đơn thuần để làm trẻ em vui mà là làm vui cho người lớn. Người lớn ở đây có thể là người có chức vụ, người bề trên, có ảnh hưởng hơn, hay đáng lẽ tiền lãi mở hàng rất ít nhưng người ta đưa rất nhiều để lấy lòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện tượng này cũng không nhiều. Một kiểu nữa là người lớn khi thực hiện phong tục này có những ứng xử rất vụng về trước mặt trẻ em, không mang tính giáo dục. Cái này thì rất nhiều.

. Việc người lớn ứng xử vụng về trước trẻ em khi mừng tuổi như thế nào, thưa ông?

+ Điển hình như người lớn khi mừng tuổi hoặc chứng kiến người khác mừng tuổi thì bình luận trước mặt trẻ em rằng thằng này khôn, thằng kia dại hoặc miêu tả việc thằng kia ném tiền, đứa khác vùng vằng. Họ cứ nói cười vô tư như vậy. Thậm chí tôi còn thấy có bà mẹ nói bô bô, kể rất hào hứng với người khác khi thấy con mình vứt bao lì xì của người lớn vì bóc ra thấy ít tiền quá. Cái này nguy hiểm cho trẻ em lắm.

. Nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

+ Trẻ em sẽ tưởng những việc đó là hay. Cũng giống việc trẻ em văng tục chửi bậy, người lớn thay vì uốn nắn lại bàn luận sẽ tạo nên tính cách, khiến trẻ em thành nếp, học theo rồi tiêm nhiễm. Từ nhỏ đã chứng kiến việc đối xử với đồng tiền sai lệch thì có thể bị ảnh hưởng sau này.

. Vậy theo ông, để giữ được nét đẹp của phong tục này người mừng tuổi cần phải cư xử, thực hành như thế nào?

+ Cái này không có nguyên tắc mà là ứng xử mang tính phong tục, theo tôi nên có thái độ yêu thương và trân trọng trẻ em. Ngày nay người ta thường có bao lì xì, khi đưa cũng nên kèm theo lời chúc mừng đẹp đẽ, lịch sự, nói câu hay, câu đẹp. Cha mẹ người tiếp nhận cũng dặn con trẻ phải ứng xử lại cho phù hợp, như lễ phép cảm ơn chẳng hạn. Bên cạnh đó tôi thấy việc con cái mừng tuổi cha mẹ cũng nên duy trì vì đưa đến sự hạnh phúc cho người lớn, người sinh thành, thể hiện đạo hiếu. Ít nhiều không quan trọng, còn tùy vào hoàn cảnh nhưng cái chính vẫn là tình cảm và thái độ của người đưa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm