Lấy ý kiến thành viên Chính phủ về việc tăng lương

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ liên quan đến điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiên cứu, xem xét và cho ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động năm 2017.

Theo một thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ được đưa ra sau khi có nhiều tranh cãi về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Đặc biệt, gần đây Hiệp hội DN Nhật Bản, Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam… đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 hoặc giãn thời gian tăng lương.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 dao động từ 180.000 đến 250.000 đồng, tùy vào từng vùng. Ảnh: VL

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định phương án hội đồng đưa ra sẽ bảo đảm bù đủ trượt giá năm 2016 để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động (dự kiến khoảng 4,5%-5%), cải thiện theo mức tăng năng suất lao động khoảng 2%-2,5%.

Mặt khác, phương án này cũng đã tính đến phần lương mà năm 2016 đã điều chỉnh ở mức cao (năm 2016 điều chỉnh tăng 12,4% so với năm 2015, trong đó dự kiến chỉ số giá sinh hoạt CPI là 5%-6,5% nhưng thực tế chỉ có 0,63%). Đồng thời, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn còn khó khăn (nhất là DN ngành thủy sản, dệt may...). Đặc biệt, hội đồng đã tính đến khó khăn của DN trong bối cảnh năm 2016-2017 thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động trên mức lương và phụ cấp lương.

Theo Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc tăng lương trên dự báo sẽ làm tăng khoảng 0,3%-0,5% chi phí cho DN, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,7%-2,7%.

Lương tăng dao động từ 180.000 đến 250.000 đồng

Đầu tháng 8-2016, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp và bỏ phiếu chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 để trình Chính phủ quyết định. Theo đó, kết quả bỏ phiếu 13/14 đồng ý (một thành viên vắng), thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 tăng dao động từ 180.000 đến 250.000 đồng, tùy vào từng vùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm