Lập hồ sơ di tích quốc gia cho Hải Vân Quan

Chiều 17-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, cho hay sáng cùng ngày đã ngồi lại với lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên–Huế để cùng làm bộ hồ sơ, trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận Hải Vân Quan là di tích, văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Theo ông Hùng, Hải Vân Quan có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nơi đây là tuyến phòng thủ, công trình phòng thủ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn. Đồng thời là một điểm kiểm soát qua lại trên đường thiên lý Bắc-Nam. Đây cũng là điểm kiểm soát tàu bè vào ra ở vịnh Đà Nẵng.

Huế và Đà Nẵng đã cùng nhau ngồi lại lập hồ sơ xin công nhận Hải Vân Quan là di tích quốc gia sau nhiều năm bỏ quên. Ảnh: NGUYỄN DO

Theo ông Hùng, với ba lý do trên cùng với việc thành quách trên Hải Vân Quan được xây dựng từ năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng nên có giá trị to lớn cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự...

“Tuy nhiên, lâu nay có tình trạng cha chung không ai khóc. Bởi vì Hải Vân Quan nằm giữa ranh giới Huế và Đà Nẵng. Vì vậy Huế cũng không bảo vệ được mà Đà Nẵng cũng không. Công trình quan trọng này ngày càng xuống cấp, bị xâm hại rất nặng nề” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, trước tình hình đó, hai sở phải cùng ngồi lại thống nhất nếu để một bên làm thì không được, cả hai tỉnh phải phối hợp làm chung một bộ hồ sơ để trình công nhận di tích quốc gia cho Hải Vân Quan.

Ông Hùng phân tích thêm sau khi được công nhận, có thể áp dụng Luật Di sản văn hóa để bảo vệ địa điểm trên. Sau đó phải tiến tới phát huy giá trị của di tích.

“Mình sẽ cử người bảo vệ, thuyết trình giới thiệu cho du khách, phục vụ khách tham quan và khai thác du lịch. Kế hoạch là bắt đầu khởi động từ tháng 11 và phấn đấu hoàn thành việc công nhận di tích này vào giữa năm 2017” - ông Hùng thông tin.

Đây không phải là lần đầu tiên có hai địa phương cùng đề xuất một di tích quốc gia như vậy. Trước đó, hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng đã cùng đề xuất lập hồ sơ công nhận di tích quốc gia cho Hoành Sơn Quan. Ngoài ra, về di tích phi vật thể thì nhiều địa phương cùng lập hồ sơ như dân ca ví dặm, hát xoan, ca trù…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm