Lắp camera giám sát đăng kiểm ô tô

“Từ nay đến giữa năm 2013, Bộ GTVT sẽ thực hiện gần 15 đầu việc nhằm hiện đại hóa công tác đăng kiểm ô tô” - ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết.

“Lọt cửa” vì máy cũ, giám sát kém

Anh Huỳnh Nam (quận 12) là chủ chiếc xe tải năm tấn đã bệ rạc, máy nổ ra nhiều khói, tay lái rơ, khung bệ sập sệ… Lần kiểm định trước đây, anh Nam đem xe đi xét ở một trạm của TP thì bị đánh rớt hai lần, phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới đậu. Rút kinh nghiệm, lần kiểm định trong tháng 9 qua, anh Nam cho xe vào trạm thuộc một tỉnh biên giới để xét. “Chỉ 20 phút là xong mọi công đoạn, khỏe re!” - anh Nam hoan hỉ kể.

Loại trừ yếu tố tiêu cực từ cán bộ đăng kiểm xét chiếc xe của anh Nam, một cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận: Hiện nhiều trạm vẫn sử dụng các dây chuyền kiểm định xe đã quá cũ; hệ thống camera giám sát các khâu kiểm định chưa có hoặc chưa được kết nối với Cục; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đăng kiểm viên ở nhiều trạm thuộc các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn kém so với các trạm ở các tỉnh, TP lớn…

Lắp camera giám sát đăng kiểm ô tô ảnh 1

Bộ GTVT khẳng định việc kiểm định ô tô sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới. Ảnh: LƯU ĐỨC

Thay dây chuyền mới

Để hạn chế tình trạng trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ thay thế các dây chuyền kiểm định cũ, không có khả năng kết nối với mạng máy tính bằng những dây chuyền kiểm định hiện đại. Tại từng trạm phải trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động của từng dây chuyền kiểm định xe. Hình ảnh sẽ truyền trực tiếp tới phòng của giám đốc trạm, phòng chờ kết quả và phòng quản lý của Cục (đặt tại Hà Nội), được lưu giữ tối thiểu 30 ngày.

Theo lộ trình, đến cuối năm 2012, Cục Đăng kiểm sẽ lắp đặt xong camera giám sát tại 189 dây chuyền của 106 trạm, chi nhánh đăng kiểm trên cả nước. Tuy vậy, việc lắp camera chỉ có thể giám sát được hành vi, hoạt động của các đăng kiểm viên tại năm công đoạn, 56 hạng mục kiểm định xe trên dây chuyền và bên trong trạm.

“Các giao dịch, thỏa thuận tiêu cực giữa đăng kiểm viên và chủ xe vẫn có thể diễn ra bên ngoài trạm đăng kiểm. Vì thế, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đăng kiểm viên là việc vẫn phải làm thường xuyên” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trạm đăng kiểm 50-02S, nói.

Cụ thể hóa mức xử lý vi phạm

Qua thanh, kiểm tra 15 trạm đăng kiểm trong sáu tháng đầu năm, Thanh tra Bộ GTVT nhận thấy một số đăng kiểm viên không nắm được hạng mục phải kiểm tra. Họ lúng túng chạy vòng quanh xe đến năm, sáu vòng nhưng vẫn không tìm thấy hoặc bỏ sót chi tiết, hạng mục phải kiểm tra. Một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận các hành vi tiêu cực thường rơi vào (và xuất phát từ) những đăng kiểm viên yếu nghiệp vụ.

Từ thực tế trên, thời gian tới Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tăng tần suất kiểm tra định kỳ và đột xuất các trạm đăng kiểm. Cạnh đó, Cục sẽ đề xuất Bộ ban hành quy định mới phân định rõ trách nhiệm, quyền của từng vị trí tại các trạm đăng kiểm; cụ thể hóa các hành vi vi phạm và mức xử lý tương ứng… Ví dụ, đăng kiểm viên kiểm tra thắng sai thì phải xử nặng hơn chứ không thể bằng với mức của người bỏ qua khâu đo thùng.

“Sắp tới, các quy định của Cục, Bộ sẽ được ban hành nhằm buộc đăng kiểm viên phải thực hiện đầy đủ chức trách, tuân thủ đúng các quy định của ngành, quy trình kiểm tra xe, không lợi dụng chức trách để sách nhiễu, hạ thấp tiêu chuẩn kỹ thuật làm sai lệch kết quả...” - ông Giao nói.

“Nắm lại” đăng kiểm tư nhân

Sau hơn bảy năm thí điểm xã hội hóa đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam dự định từ nay đến năm 2015 sẽ thay đổi, hoàn thiện rồi mới nhân rộng mô hình này.

“Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp tư nhân thường sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như hạ thấp tiêu chuẩn, bỏ bớt hạng mục kiểm định… Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều xe mắc lỗi kỹ thuật vẫn được lưu thông trên đường. Việc quản lý, tuyển dụng nhân sự của các trung tâm tư nhân cũng còn rất tùy tiện” - Bộ GTVT đánh giá.

Từ cuối năm 2010 đến nay, Cục Đăng kiểm thí điểm mô hình mới: Doanh nghiệp tư nhân bỏ đất, đầu tư nhà xưởng, thiết bị dây chuyền kiểm định, tuyển dụng người làm công tác hành chính… Còn việc đăng kiểm, quản lý hồ sơ xe, ký và cấp phát các loại ấn chỉ nhà nước do cán bộ, đăng kiểm viên là công chức, viên chức nhà nước đảm nhận.

“Việc điều chỉnh mô hình xã hội hóa theo hướng mới bảo đảm được lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp tư nhân và hiệu quả quản lý nhà nước. Mô hình này cần phải mở rộng trong thời gian tới” - ông Giao khẳng định.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm